(kontumtv.vn) – Dạy trẻ đã khó, dạy và chăm sóc trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn rất nhiều. Bằng tình yêu, tấm lòng tận tâm, sự nhẫn nại, các thầy cô giáo trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Kon Tum đã giúp nhiều trẻ em khuyết tật tự tin học tập, khẳng định bản thân, từng bước vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Phạm Xuân Nghị (học sinh lớp trẻ khuyết tật, Trường Tiểu học Quang Trung) là một cậu bé thông minh, sáng dạ. Em bị khiếm thị bẩm sinh. Dù vậy, điều này không ngăn được em đến trường, học tập như bao bạn bè đồng trang lứa. Được các thầy cô động viên, quan tâm dạy dỗ, đến nay, Nghị đã có thể đọc rành rọt tất cả các bài học, làm phép toán nhanh và chính xác. Dù mới 7 tuổi nhưng Nghị đã thể hiện sự chững chạc trong nhận thức. Em chia sẻ: “Cô dạy con biết làm toán này. Làm toán xong rồi con học Tiếng Việt nữa này. Rồi cô chỉ con cách sống không được ích kỷ với bạn bè nữa. Con rất là vui, đến nỗi mà không thể biết được là vui thế nào nữa”.

Cô giáo dạy trẻ khuyết tật
Cô giáo dạy trẻ khuyết tật

Phạm Xuân Nghị là một trong hơn 50 học sinh khuyết tật trên địa bàn đang được các thầy cô giáo Trường Tiểu học Quang Trung chăm sóc, dạy dỗ. Mỗi em là một hoàn cảnh khác nhau mà số phận kém may mắn đã lấy đi ánh sáng, âm thanh và một cuộc sống bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa. Trân quý nỗ lực vượt khó của các em, thầy cô giáo của Tổ giáo dục chuyên biệt Trường Tiểu học Quang Trung càng dốc sức, dốc lòng dạy chữ, dạy người, đem tất cả tình yêu thương vun đắp cho những ước mơ bay cao, bay xa. Cô giáo Phạm Thị Tâm, giáo viên lớp học trẻ khuyết tật nói: “Để giảng dạy các cháu có kết quả tốt thì hàng ngày tụi tôi lên lớp sớm, bản thân tôi lên lớp sớm, chăm lo cho các cháu về quần áo, mình chỉnh chu lại cho các cháu. Thứ hai là chuẩn bị đồ dùng học tập của các cháu và của cô. Thứ ba là trong tiết học mình gần gũi, động viên, đến từng học sinh để động viên và giúp đỡ các cháu. Cháu nào chưa viết được thì mình cầm tay, cháu nào viết được thì mình khuyến khích, tuyên dương thì các cháu thấy như thế thì các cháu tiến bộ”.

“Mỗi giáo viên đều phải nắm chắc được tâm tư, tình cảm của học sinh, điều kiện sinh sống của các em ở nhà cũng giống như sinh hoạt tại Trung tâm. Trên cơ sở đó mới tìm hiểu ra được những khả năng, nhu cầu của các em. Qua quá trình tìm hiểu thật kỹ thì trong quá trình giảng dạy cần cung cấp kiến thức gì, cần cung cấp kỹ năng gì cho các em thì lúc đó giáo viên mới giảng dạy và đáp ứng được cái thực tế lớp học của mình”. Thầy giáo Lê Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung cho biết.

Trong số 8 giáo viên hiện đang giảng dạy 7 lớp trẻ khuyết tật, cô giáo Đỗ Thị Thanh Long là một trường hợp đặc biệt. Sinh năm 1982, cô giáo Đỗ Thị Thanh Long bị khiếm thị bẩm sinh do di chứng chất độc hóa học/dioxin. Hơn 05 năm đứng lớp, cô luôn nỗ lực hết mình đem ánh sáng tri thức đến với học sinh khiếm thị. Cô giáo Đỗ Thị Thanh Long chia sẻ: “Bản thân cũng là bị khiếm thị nên là rất hiểu những khó khăn của các em khiếm thị như thế nào, những cái thuận lợi, năng khiếu, tâm lý của các em như thế nào thì để dạy các em được dễ hơn. Thứ hai nữa là vì bản thân cũng bị khiếm thị nên biết cách giúp các em như thế nào để phù hợp với cái tật của em đó. Mình cũng biết đọc chữ nổi nên dạy các em chữ Braille cũng thuận lợi. Về di chuyển, nói chung khiếm thị di chuyển là khó khăn, cũng biết cách hướng dẫn, định hướng các em di chuyển như thế nào cho phù hợp”.

Mỗi tiết học, giờ học luôn có tình thầy trò khăng khít, gắn bó. Đặc biệt, lớp không bao giờ thiếu vắng tiếng cười và những lời động viên, khích lệ. Để mỗi ngày đến trường thật sự là ngày vui của các em học sinh, giúp các em vượt lên hoàn cảnh, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *