(kontumtv.vn) – Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh và sự nỗ lực của chính quyền địa phương, quê hương Kon Tum đang từng ngày đổi thay và phát triển, đời sống người dân từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa không ngừng đổi thay. Đây là niềm vui của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh phấn khởi chào mừng 91 năm ngày thành lập Đảng và cùng nhau đón xuân Tân Sửu 2021 trong vui tươi, đầm ấm.   

Từ một chi bộ được thành lập trong chốn lao tù tại Ngục Kon Tum vào năm 1930, đến nay, Đảng bộ tỉnh Kon Tum có 14 đảng bộ trực thuộc với hơn 29 nghìn đảng viên; 100% thôn, làng đã có đảng viên và tổ chức đảng để lãnh đạo, chỉ đạo khu dân cư phát triển. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ tỉnh Kon Tum luôn chú trọng yếu tố phát triển bền vững, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân có thể làm giàu ngay trên quê hương của mình. Nhờ vậy, diện mạo khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc từng ngày. Ông A Nhuân, dân tộc Xơ Đăng ở thôn Mô Bành 1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông phấn khởi cho biết năm nay bà con đón Tết vui lắm, vui nhất là thu nhập của bà con trong thôn tăng cao. Hơn 80 hộ, gần 300 nhân khẩu của thôn đã trồng được hơn 5 ha lúa nước, 14 ha bời lời, hơn 3 ha cà phê và cây ăn quả, chăn nuôi gần 230 con trâu bò, trồng được hơn 1.000 cây sâm Ngọc Linh và 3.000 m2 sâm dây. Cùng với đó, đường giao thông nội thôn, nhà rông, điểm trường thôn, hệ thống loa phát thanh được đảm bảo. Đến hết năm 2020, thôn chỉ còn 15 hộ nghèo. Ông A Nhuân cho biết: “Thôn Mô Bành 1 đổi thay, bà con tiếp cận cơ sở hạ tầng, điện đường, trường trạm. Năm ngoái họ đầu tư trạm điện thoại phủ sóng ở làng giờ bà con tiếp cận internet, 1 số bà con xài điện thoại thông minh, tiếp cận về báo chí, thông tin, bà con có khả năng thoát nghèo phát triển kinh tế nhờ chính sách ưu đãi cho vay hộ nghèo, mua giống sâm, phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”.

Trong sự đổi thay và phát triển của tỉnh Kon Tum luôn có dấu ấn đậm nét vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ các cấp. Tiêu biểu như các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng kinh tế động lực, cải cách hành chính thu hút đầu tư, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển cây dược liệu, về cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng nông thôn mới đã tạo tiền đề cho kinh tế – xã hội tỉnh Kon Tum bứt phá.

Bà Y Vêng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đã đưa ra được những nghị quyết sát đúng, hợp lý để tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và khởi sắc như hôm nay. Tiêu biểu như lĩnh vực giao thông, Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đều quyết tâm đưa Kon Tum thoát khỏi thế ngõ cụt, thực hiện giao thông đi trước một bước thúc đẩy vùng sâu, vùng xa phát triển. Nhờ vậy, giao thông Kon Tum hôm nay đã trở thành lợi thế lớn của tỉnh. Đến nay, tỉnh có gần 6.100 km đường giao thông. Trong đó có hơn 490 km đường quốc lộ, 495 km đường tỉnh lộ. Năm 2020, tỉnh Kon Tum có 51/85 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới. So với năm 1991, số km đường giao thông tăng 5.500 km. Bà Y Vêng phấn khởi nói: “Tâm huyết của cả tỉnh là muốn đường phải có tới vùng sâu, vùng xa, đến bây giờ nhìn lại chúng ta cũng đã đạt được. Chính vì có đường giao thông như thế nên hàng hóa của đồng bào vùng sâu, vùng xa được lưu thông mua bán cho thị trường. Đời sống nhân dân từ đó cũng được nâng lên. Lâu lâu đi vùng sâu, vùng xa thấy đời sống bà con có sự thay đổi rất nhiều”.

Sự lãnh đạo của Đảng còn thể hiện rõ nét qua vai trò nòng cốt, gương mẫu, đi đầu trong xây dựng khu dân cư, xây dựng cơ quan, đơn vị của đội ngũ đảng viên ở cơ sở. Tiêu biểu có đảng viên A Blong, già làng của làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Ông có công lớn trong việc vận động dân tộc rất ít người Rơ Măm xóa bỏ hôn nhân cận huyết và tảo hôn, bỏ lời nguyền để nuôi bò phát triển kinh tế. Già làng A Blong thường dạy cho lớp thanh niên Giàng Plút là vị thần của dân tộc Rơ Măm và Đảng là hiện thân của Giàng Plút để đem lại mùa xuân cho người Rơ Măm. Ông A Blong cho biết:Bản sắc dân tộc như cồng chiêng, múa xoang vẫn giữ, các nhạc cụ khác vẫn giữ được. Thứ ba là trái pháp luật bỏ dần, phong tục tập quán khác là bỏ.  Cái gì không tốt bỏ bớt đi, tuyệt đối không theo thầy bói cúng trâu cúng bò bỏ đi, cái nào hay, tốt bà con vẫn sử dụng”.

Khi những Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống, niềm vui, tình đoàn kết xuất hiện nhiều hơn trong mỗi gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình được tiếp sức để thoát nghèo. Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum cho biết, giai đoạn 2015-2020, tỉnh Kon Tum có gần 21.000 hộ thoát nghèo và hơn 10.900 hộ thoát cận nghèo: “Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và bằng nhiều giải pháp kể cả giải pháp chính sách của Trung ương cũng như tỉnh đề ra những giải pháp riêng đặc thù của tỉnh thì đến giờ phút này các chỉ tiêu của giai đoạn 2016-2020 này chúng ta cơ bản đều đạt và vượt. Trong đó lấy chỉ tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo hàng năm gắn liền với phát triểnkinh tế-xã hội làm trục chính thì chúng ta đã đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm”.

Phát huy kết quả đạt được, bước vào giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân từ 10%/năm trở lên; GRDP bình quân đầu người 70 triệu đồng trở lên. Thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng vào năm 2025. Đồng thời phấn đấu, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm; đến năm 2025 có 60 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là những mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đồng thuận, hưởng ứng cao, nỗ lực đạt được đem lại mùa xuân cho quê hương Kon Tum.

 Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *