(kontumtv.vn) – Là vùng đất mới khai phá, có độ cao trên 1.200 m so với mặt nước biển, điều kiện cách ly tốt, chưa nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật, Măng Đen – Kon Plông (Kon Tum) rất phù hợp để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là sản xuất nông nghiệp hữu cơ – Organic. Đó là hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Tuy mới được đưa vào sản xuất 4 tháng nay, nhưng các sản phẩm rau, củ, quả của Công ty TNHH KPA tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông sinh trưởng phát triển rất tốt. Toàn bộ cây trồng ở đây được canh tác theo quy trình sản xuất hữu cơ, không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng hay chất bảo quản. Các loại giống đưa vào sản xuất đều có nguồn gốc, xuất xứ, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, giàu chất dinh dưỡng như dưa leo Mỹ, đậu Hà Lan tím, xà lách 7 màu, xà lách ớt, cải mâm xôi…Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Công Ty TNHH KPA nói: “Một số tổ chức quốc tế và trong nước KPA mời đến để đánh giá về đất, thổ nhưỡng của vùng này, kết quả rất tốt. Đánh giá chung về vùng Măng Đen này phát triển rất tốt về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ”.

Sản xuất tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen
Sản xuất  rau quả tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, hiện nay, ngoài việc quy hoạch, thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Kon Tum đang tập trung các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; củng cố Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đến đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Đức Tuy cho biết: “Tỉnh đã đầu tư một số nhà kính, nhà lưới để giúp cho các sinh viên học nông nghiệp ra trường muốn khởi nghiệp thì tỉnh cho thuê nhà kính, nhà lưới đó trong 3 năm không thấy tiền, Tỉnh đã thành lập Quỹ Khởi nghiệp để hỗ trợ cho  người khởi nghiệp vay vốn ưu đãi để có điều kiện phát triển. Lấy doanh nghiệp là nòng cốt và xung quanh doanh nghiệp đây có các hộ gia đình, chúng ta sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu để khẳng định nông nghiệp ở đây là nông nghiêp sạch, nông nghiệp Organic để tổ chức tiêu thụ trên các thị trường và hướng đến xuất khẩu”.

Đến nay, Khu Nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, một số dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ có quy mô lớn như Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ của Công ty TNHH KPA liên kết với Công ty 4Ways (Four Ways) của Úc; Dự án Nông trại hữu cơ Bellest của liên doanh 3 nhà đầu tư từ Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam; Dự án nuôi dê sữa … Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá: “Chúng tôi thấy ở vùng đất này, với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết này rất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không những là trồng trọt mà kể cả chăn nuôi. Tôi nghĩ đây là điều kiện rất tốt để nông nghiệp hữu cơ phát triển ở tỉnh Kon Tum, ở huyện Kon Plông này. Vì vừa là điều kiện tốt, đồng thời về mặt chính quyền cũng đã có những giải pháp ủng hộ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tôi nghĩ trong thời gian tới, không những doanh nghiệp KPA này mà nhiều doanh nghiệp khác có quan tâm đến đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu có có điều kiện để phát triển tốt ở vùng này”.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ – Organic là quy trình sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn của Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế, với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đây là một trong những hình thức sản xuất được khuyến khích phát triển hiện nay. Tuy nhiên, bước đầu triển khai mô hình  còn gặp một số khó khăn. Để tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, trong chuyến công tác của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam mới đây tại huyện Kon Plông, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã đề xuất nhiều nội dung liên quan, trong đó có vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng được nhiều nước trên thế giới quan tâm và ngành Nông nghiệp Việt Nam khuyến khích phát triển, nhằm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mang lại thu nhập cao hơn, môi trường tốt hơn.

Quang Mẫn – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *