(kontumtv.vn) – Có lẽ, chẳng  nơi nào những đứa trẻ lại thức dậy sớm như ở đây. Bọn trẻ đến lớp học vào lúc nửa đêm – khi sương đêm bắt đầu rơi nặng hạt, khi những cây cao su cựa mình cho những dòng nhựa trắng tràn trề. Những đứa trẻ là con của những người công nhân cao su ở biên giới Mo Rai phải làm quen với sự vất vả, cực nhọc của người thợ cạo ngay từ những ngày ấu thơ.

Đêm nào cũng vậy, 12 giờ  là lúc vợ chồng chị Ngân Thị Mợi, công nhân đội 5, Công ty TNHH MTV 78 thức dậy để đi cạo mủ cao su. Việc đầu tiên là chị đánh thức cô con gái dậy. Cháu bé dù mới 3 tuổi nhưng có vẻ đã quen thuộc với cảnh thức dậy lúc nửa đêm như thế này. Không 1 tiếng khóc, không sự hờn lẫy thường thấy ở những đứa trẻ bị phá giấc ngủ, cháu bé vẫn ngủ ngon lành trên tay mẹ.  Đánh thức con, rồi chuẩn bị mọi dụng cụ từ chiếc đèn pin, dao cạo đến giỏ đụng dụng cụ….mọi thứ diễn ra hết sức khe khẽ. Chẳng ai nói ai lời nào. Cứ như thể, chỉ cần 1 tiếng nói to thôi, sự tĩnh mịch của đêm sẽ bị phá vỡ, giấc ngủ của con trẻ sẽ không còn yên lành. Trong đêm tối, họ lặng lẽ đưa con trẻ đến lớp, trong hơi sương lạnh lẽo. Và đâu đó vang lên tiếng gà gáy đêm!  Chị Mợi chia sẻ: “Công việc ở đây đi làm đêm. Đi cạo từ 1 – 2 giờ sáng mới có nhiều mủ. Nhiều lúc cũng thấy thương con, lúc trời mưa trời gió lạnh, nhưng phải bế con đi, vợ chồng cũng cố gắng bế con đi trẻ sớm để mà đi làm”.

Trẻ đến trường từ lúc nửa đêm
Trẻ đến trường từ lúc nửa đêm

Và có lẽ, đây là nơi duy nhất có lớp học đặc biệt– lớp học lúc nửa đêm. Cô nhận trò lúc nửa đêm – trò đến lớp để tiếp tục giấc ngủ. Những điều khác thường ấy lại là điều quá đỗi bình thường với đời sống người công nhân.

Vào làm công nhân vừa tròn 1 năm, vợ chồng trẻ người dân tộc Rơ Mâm Y Nguyệt – A Ấp cũng đã dần quen với cảnh thức dậy lúc mọi người còn chìm say trong giấc ngủ. Thời gian đầu, sự thay đổi đồng hồ sinh học cũng gây cho chị đôi chút khó khăn. Giờ mọi thứ đã thành nếp. Đứa con gái nhỏ chưa tròn 2 tuổi cũng thức theo cha mẹ nhưng tuyệt nhiên không 1 tiếng khóc. Như bao đứa trẻ khác, em cũng sẽ tiếp tục giấc ngủ ở lớp, trên cánh võng cô đưa. Cha mẹ em sẽ bắt đầu công việc của 1 ngày mới trong đêm đen, trong sự tĩnh lặng của đêm. Chị  Nguyệt nói: “Vào đây làm công nhân để kiếm tiền mua sữa cho con. Các cô cũng thức đêm giữ con cho mình. Các cô trực cả đêm cả ngày, giữ con cho mình”.

Với những cô giáo mầm non ở đây, công việc bắt đầu lúc 1giờ đêm và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều. Thậm chí, vào thời kì bón phân, làm cỏ cho cây cao su, các cô thường phải giữ trẻ đến 6 giờ chiều. Những đứa trẻ này lớn lên với phần lớn thời gian ở trường mẫu giáo. Chúng ngoan hơn, ít quấy khóc hơn, cứ như chúng hiểu được những vất vả của cha mẹ và sự thương yêu, tận tụy của những cô giáo nơi này. Cô giáo Lê Thị Hồng, Nhà trẻ Đội 5, Công ty TNHH MTV 78 cho biết: “Công việc ở đây có cái khác là ngoài đi làm ban ngày, chúng tôi còn phải thay nhau trực ban đêm để trông các cháu cho ba mẹ các cháu đi làm”.

Chiều muộn. Đây là thời khắc hạnh phúc nhất của những đứa trẻ non nớt này. Đây cũng là lúc các em nhìn thấy rõ nhất khuôn mặt của cha mẹ mình. Những khuôn mặt lam lũ, lem luốc sau 1 ngày lao động vất vả để đổi lấy nụ cười của con trẻ!

Mặc cho sương đêm, mặc cho cái lạnh của đêm, những đứa trẻ ấy vẫn được cha mẹ lặng lẽ đưa đến lớp trong suốt mùa cạo. Cứ thế, năm này qua năm khác. Đã có biết bao đứa trẻ lớn lên. Chúng ngủ rồi lại thức, thức rồi lại ngủ trên tay mẹ, trong vòng tay cô giáo, trên những cánh võng ru hời lúc nửa đêm.

Trong kháng chiến, bao lớp người đã ngã xuống vì Mo Rai, giờ trong hòa bình vẫn đang có 1 thế hệ hi sinh cho mảnh đất này theo 1 cách riêng, lặng lẽ. Và chúng ta có quyền đặt niềm tin vào tương lai của miền đất biên ải của  Tổ quốc.

Như Nguyệt – Xuân Công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *