Phát triển kinh tế từ cây dược liệu để huyện Tu Mơ Rông vươn lên thoát nghèo
16.03.2021(kontumtv.vn) – Có cơ chế, giải pháp quản lý, bảo tồn, phát triển dược liệu, phát triển kinh tế từ dược liệu, nhất là Quốc bảo sâm Ngọc Linh, đây là nội dung xuyên suốt buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum với Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông ngày 16/3, được các đại biểu, các sở, ngành trao đổi thẳng thắn, sôi nổi. Bí Thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh A Pớt; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hòa; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Tổ cấp ủy phụ trách huyện Tu Mơ Rông; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Huyện Tu Mơ Rông là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh. Địa phương có 7/11 xã phù hợp để trồng loại dược liệu quý này. Hiện diện tích cây dược liệu trên địa bàn khoảng 743 ha, trong đó có hơn 513 ha sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, với trên 57.000 ha rừng, huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong, phát triển dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, với hơn 95% là ĐBDTTS, xuất phát điểm thấp, sau 16 năm thành lập, Tu Mơ Rông vẫn là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum và của cả nước.
Với trăn trở làm sao để Tu Mơ Rông vươn lên thoát nghèo, mở đầu buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu huyện Tu Mơ Rông làm rõ các vấn đề, huyện có kế hoạch gì trong phát triển cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh trong năm 2021 và những năm tiếp theo; việc phát triển kinh tế hàng hóa từ cây dược liệu; công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trong năm 2021; công tác QLBVR, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển hợp tác xã kiểu mới; khơi mở tiềm năng phát triển du lịch; công tác phát triển đảng viên và vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy trong thời gian qua; công tác quản lý, giữ gìn thương hiệu Sâm Ngọc Linh; kế hoạch xây dựng thị trấn của huyện trong nhiệm kỳ.
Những gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông đã trao đổi và cơ bản làm rõ. Cụ thể, năm 2021, kế hoạch của huyện là giảm 6-8% tỷ lệ hộ nghèo. Huyện Tu Mơ Rông xác định 2 vấn đề trọng tâm lớn để xóa đói giảm nghèo là phát triển cây dược liệu và trồng rừng. Riêng về cây dược liệu, huyện chú trọng phát triển gắn với thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và sản xuất theo chuỗi liên kết để đầu ra ổn định, đảm bảo thu nhập cho người dân. Đây được xem là yếu tố quan trọng để đưa dược liệu trở thành kinh tế hàng hóa, là chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Về trồng rừng, năm 2021, huyện được giao trồng 200 ha rừng. Hiện tại, các xã đã đăng ký trồng mới 327 ha. Vấn đề huyện lo ngại nhất trong trồng rừng là cây giống và hỗ trợ kinh phí trồng rừng cho người dân. Đối với phát triển du lịch, qua khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, huyện được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Trên cơ sở này, huyện có kế hoạch thành lập tổ xúc tiến du lịch; xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm các vườn dược liệu. Trong QLBVR, huyện Tu Mơ Rông cương quyết xử lý các vụ phá rừng trái phép, nhất là vụ phá rừng tập thể, không để trở thành tiền lệ xấu. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Măng Ri, Ngọc Lây và Đăk Rơ Ông. Về công tác xây dựng Đảng, việc phát triển Đảng trong khu dân cư thời gian qua vượt chỉ tiêu đề ra; chất lượng hoạt động của các TCCS Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện ngày càng được nâng lên.
Là vùng đất của sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông ý thức sâu sắc vấn đề giữ gìn, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, việc phát hiện sâm giả cũng như quản lý mua bán sâm Ngọc Linh đối với chính quyền địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Trong phát triển sâm Ngọc Linh, vấn đề giống cũng là một trong những rào cản khiến việc mở rộng diện tích sâm trên địa bàn còn hạn chế.
Huyện Tu Mơ Rông có nhiều kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là về phát triển dược liệu trên địa bàn. Theo đó, huyện đề nghị tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù dành cho huyện trong phát triển cây dược liệu; đưa ứng dụng công nghệ cao vào phát triển dược liệu và quan tâm đến công nghiệp chế biến dược liệu sau thu hoạch. Các đề xuất, kiến nghị này cùng những khó khăn, vướng mắc trong phát triển dược liệu, sâm Ngọc Linh; xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch, quy hoạch và phát triển trung tâm huyện cũng đã được các sở, ngành chia sẻ và làm rõ thêm.
Tại buổi làm việc, công tác bảo tồn nguồn gen, tình hình sản xuất và cung ứng giống sâm Ngọc Linh được các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi thẳng thắn, sôi nổi, bởi đây không chỉ là vấn đề riêng của huyện Tu Mơ Rông. Để phát triển loại dược liệu quý này, việc cung ứng đủ giống, nguồn giống đảm bảo chất lượng là điều kiện tiên quyết để phát triển sâm Ngọc Linh đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị năm 2021, các cấp chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới để bình quân mỗi xã của huyện Tu Mơ Rông phải đạt từ 2-3 tiêu chí; trong công tác giảm nghèo, trong năm, huyện cố gắng giảm 8% tỷ lệ hộ nghèo; vượt chỉ tiêu tỉnh giao về trồng sâm Ngọc Linh, trồng dược liệu và trồng rừng.
Bí thư Tỉnh ủy ưu ý, huyện cần rà soát, củng cố lại tất cả các hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn; làm điểm, làm mẫu 1 hợp tác xã kiểu mới nuôi ong trong rừng; đưa chăn nuôi trâu bò thành sản xuất hàng hóa; tỉnh, huyện quan tâm lãnh đạo, đầu tư để đến năm 2025 xã Đăk Hà thành thị trấn Đăk Hà của huyện Tu Mơ Rông; 100% thôn, làng có bộ cồng chiêng, đội cồng chiêng để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; huyện có chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến dược liệu trên địa bàn; các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất với tỉnh đầu tư con đường vào thác Siu Puông nhằm khai thác du lịch. Trong công tác QLBVR, huyện cần thực hiện nghiêm ngặt hơn, xử lý cương quyết các tổ chức, cá nhân để xảy ra mất rừng. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện, tỉnh cần nhanh chóng cung cấp giống sâm Ngọc Linh cho người dân; huyện Tu Mơ Rông triển khai nhanh và làm điểm Cuộc vận động thay đổi cách nghĩ, nếp làm trong ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS thoát nghèo bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt nhấn mạnh, các cơ quan của tỉnh, huyện phải bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh; đồng thời khẳng định, từ năm 2021 trở đi, huyện Tu Mơ Rông đi lên, phát triển kinh tế bằng sâm Ngọc Linh, thế mạnh là sâm Ngọc Linh; phát triển kinh tế rừng, hưởng lợi dưới tán rừng; phát triển dược liệu trong dân; phát triển cây dược liệu để thoát nghèo. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu mỗi ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao; Ban Chấp hành Huyện Đảng bộ, các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp, xây dựng huyện nhà phát triển trong nhiệm kỳ.
Như Nguyệt – Đức Thắng