Trong khuôn khổ Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 11 năm 2014, chiều 25/4, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đã tổ chức hội thảo Phát triển phát thanh tiếng dân tộc. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo và các cơ quan trực thuộc của Đài TNVN cùng đại diện hơn 30 đài phát thanh-truyền hình địa phương có phát sóng tiếng dân tộc.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Hội thảo đã dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích và đề xuất nhiều vấn đề nâng cao nghiệp vụ làm phát thanh tiếng dân tộc trong tình hình mới hiện nay. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các nội dung quan trọng như: thiết kế, thực hiện chương trình phát thanh phù hợp với thính giả; hướng xây dựng chương trình thương tác, tư vấn cho vùng đồng bào dân tộc; việc tích hợp các chương trình phát thanh tiếng dân tộc vào mạng internet để tăng hiệu quả tuyên truyền; phát thanh qua thiết bị di động – tương lai thứ hai của phát thanh hiện đại; tích hợp báo phát thanh, báo mạng trong truyền thông dân tộc, việc đưa chữ viết dân tộc lên website VOV4.VN.
Phát biểu tại hội thảo này, ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN cho biết: Đến nay, Đài TNVN đã phát sóng 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số, với thời lượng 30 giờ mỗi ngày, phủ sóng khắp các vùng miền trong cả nước. Phát thanh Dân tộc đã và đang được củng cố, phát triển cả về nội dung, hình thức, ngày càng phong phú, sinh động, hấp dẫn, gần gũi, hữu ích với đồng bào. Chiến lược đến năm 2020, Đài TNVN tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, đa phương tiện.
Tại các đài địa phương, vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ làm phát thanh tiếng dân tộc cũng đang được chú trọng.
Ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN phát biểu tại Hội thảo |
Ông Chau Bol, Phó trưởng phòng dân tộc, Đài phát thanh-truyền hình An Giang, cho biết: “Hội thảo rất bổ ích, đặc biệt các đại biểu đã định hướng cách thức truyền tải về tin tức, bài viết trong vùng đồng bào dân tộc. Qua hội thảo này, tôi thấy rằng những thiếu sót sẽ tiếp tục bổ sung vào khung chương trình phát sóng cho thích hợp để mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới. Đặc biệt sẽ xây dựng chương trình tăng cường khả năng tự sản xuất chương trình nhiều hơn và đi vào cuộc sống thực tế của đồng nào dân tộc. Ví dụ có thể hướng dẫn cách thức sản xuất và giới thiệu những gương người tốt việc tốt trong đồng bào Khơ Me để góp phần nhân rộng những mô hình này trong đồng bào”.
Cũng trong khuôn khổ liên hoan phát thanh toàn quốc lần này, sáng cùng ngày, 2 hội thảo nghiệp vụ và chuyên đề về “Tổ chức tòa soạn trong cơ quan truyền thông đa phương tiện” và “Công nghệ mới trong kỷ nguyên phát thanh số” cũng đã được tổ chức, thu hút đông đảo những người làm phát thanh của hơn 60 đơn vị phát thanh-truyền hình trong cả nước tham dự và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Chia sẻ về tầm quan trọng của những thách thức đang đặt ra với ngành phát thanh Việt Nam, cũng như việc thay đổi để thích ứng với những thách thức đó, bà Sarah Jaensch, chuyên gia cao cấp về truyền thông đa phương tiện của Hãng phát thanh truyền hình ABC Australia nói: “Chúng ta đến đây để chia sẻ những kinh nghiệm làm báo đa phương tiện. Trong bối cảnh cạnh tranh với các loại hình báo chí khác, những người làm báo phát thanh càng phải nâng cao vai trò vị thế của mình. Các cơ quan mà các bạn đang làm việc hầu hết là các cơ quan truyền thông đa phương tiện nên việc tổ chức tòa soạn như thế nào, tổ chức sản xuất ra sao để phát huy hiệu quả cao nhất là hết sức quan trọng và cần thiết đối với những người làm báo hiện nay./.
Quang Sáng- Thế Thắng/VOV -Tây Nguyên