(kontumtv.vn) – Đái tháo đường là bệnh mãn tính do rối loạn chuyển hóa đường kèm theo các rối loạn chuyển hóa khác, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể kiểm soát khi được điều trị kịp thời, thường xuyên.
Năm nay 62 tuổi, bà Y Hyưn (thôn Măng La Ktu, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường typ 1. Hơn 01 tháng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, sức khỏe của bà dần ổn định. Tuy nhiên tình trạng đau đầu, choáng váng do huyết áp cao và chân phù nề vẫn khiến bà lo lắng. Bà Y Hyưn nói: “Bữa trước đau chịu không nổi luôn, bây giờ nằm bệnh viện đỡ đau rồi. Đau đầu muốn xỉu, không biết bị tiểu đường, tới Bệnh viện bác sĩ mới nói”.
Bà Phạm Thị Khen (tổ dân phố 2, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) bị bệnh đái tháo đường đã 15 năm nay. Gần 70 tuổi, sức khỏe của bà suy giảm nhiều do biến chứng của căn bệnh này, Bà hen cho biết: “Nhập viện 01 tháng rồi với chạy thận. Bác sĩ cũng siêng lại khám, mấy y tá kêu là lại liền, không có gì ngại cả. Mình thì cứ đứng lên là ngã xuống, yếu nên bữa nhập viện rồi chiều chạy thận”.
Thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho thấy, đa phần bệnh nhân đến khám và điều trị đái tháo đường tại đây đều đã lớn tuổi. Không ít trường hợp mắc bệnh đã lâu và phải chịu nhiều thương tổn do những biến chứng của bệnh gây ra. Th.s-Bs Tô Minh Tuấn, Phó Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Đến khám bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh phần lớn những bệnh nhân chưa biết đái đường thì họ đến khám hầu như đã có những biến chứng ít hoặc nhiều. Mặc dù ngày nay đã có nhiều chương trình, đặc biệt Chương trình quốc gia về Phòng chống đái tháo đường và đã phổ biến rất nhiều, nhưng người dân còn chủ quan về nhận thức”.
Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường có thể kể đến như biến chứng về tim mạch, làm tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận, loét bàn chân có thể phải cắt cụt chi… Đáng chú ý, bệnh đái tháo đường khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên khó điều trị, kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Th.s-Bs Tô Minh Tuấn nói: “Bệnh đái tháo đường có thể phòng chống và điều trị được. Đối với bệnh nhân chưa có tiền sử đái tháo đường, có yếu tố nguy cơ về đái đường thì khuyến cáo bệnh nhân nên đi xét nghiệm để tầm soát bệnh đái tháo đường. Những người đã mắc đái tháo đường rồi thì nên đi khám và nhận thuốc uống điều trị để phòng chống biến chứng và phát hiện biến chứng để điều trị kịp thời, đặc biệt là biến chứng về tim mạch, thần kinh, não, thận”.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh đái tháo đường, hàng năm, ngành Y tế tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều chương trình khám và tư vấn bệnh đáo tháo đường trong cộng đồng. 03 năm trở lại đây, từ năm 2016 đến hết tháng 9 năm 2018, gần 600 lượt người đã được khám và tư vấn miễn phí về căn bệnh này; hơn 6.000 lượt bệnh nhân bị đái tháo đường và tiền đái tháo đường trong cộng đồng được khám, xét nghiệm đường máu, theo dõi định kỳ 01 năm 04 đợt. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được phát hiện, quản lý, điều trị trên địa bàn tỉnh khoảng 65%.
Thu Trang – Công Luận