(kontumtv.vn) – Nhằm góp phần vào hoạt động nghiên cứu, bảo tồn sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, tháng 5/2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã chọn và triển khai đề tài “Nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh”. Đây là dự án do Viện Bảo vệ thực vật chủ trì thực hiện với mục tiêu nghiên cứu, xác định sự phát sinh sâu bệnh, bệnh hại và đề xuất các biện pháp phòng trừ hiệu quả trên cây sâm Ngọc Linh theo hướng sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn 9 tháng nghiên cứu, Tiến sĩ Trịnh Xuân Hoạt, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự đã ghi nhận có 2 loại sâu hại trên vườn ươm là rệp muội và bọ trĩ. Hai loại sâu bệnh này đang xác định tên khoa học và đã ghi nhận 3 loại bệnh gây hại trên cây sâm Ngọc Linh. Trong đó, trên vườn ươm xuất hiện 1 loại bệnh thối lá chết cây con và trên vườn sản xuất có 2 loại bệnh là bệnh tháo khớp và bệnh gỉ sắt, tất cả đều do nấm gây ra. Thạc sĩ Mai Văn Quân, Trưởng nhóm giám định bệnh cây, bộ môn Chuẩn giám định thiệt hại Viện Bảo vệ thực vật nói: “Bệnh hại chính trong cây sâm hiện nay trên vườn ươm đó là bệnh thối lá trên cây con. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm nhất tại vườn ươm. Trên vườn sản xuất đó là bệnh thán thư, ở đây là bệnh rụng lá tháo khớp tên một số loại cây trồng sản xuất thì đây là một trong những cây hại nặng nhất trên vườn ươm”.

Nghiên cứu sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh
Nghiên cứu sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh

Qua kiểm tra, đánh giá mức độ sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh tại 2 vườn sâm Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho thấy, trên vườn ươm bệnh thối lá chết cây con gây hại với mức độ phổ biến. Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu Viện Bảo vệ thực vật thì mức độ phổ biến và gây hại trên cây sâm Ngọc Linh ở giai đoạn vườn ươm diễn ra rất nhanh nên rất nguy hiểm vì mức độ cây con bị hại lên tới 70%. Bệnh gây hại từ giai đoạn cây bắt đầu nảy mầm cho đến cuối giai đoạn vườn ươm.

Riêng đối với vườn sản xuất, bệnh tháo khớp được xem là bệnh có mức độ gây hại phổ biến và nguy hiểm. Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn ra hoa, hình thành hạt và thu hoạch. Đây là thời gian mưa nhiều và liên tục trong ngày nên việc phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Bệnh tháo khớp trên cây sâm Ngọc Linh thường có dấu hiệu lá bị vàng, sau đó rụng dần theo các tầng rời. Khi gặp điều kiện ẩm ướt kéo dài, lá và thân bị thối nhũn dẫn đến tình trạng cây không cho hoa và hạt. Sau khi nghiên cứu xác định nguyên nhân các sâu bệnh hại xuất hiện trên cây sâm Ngọc Linh, Tiến sĩ Trịnh Xuân Hoạt cùng các cộng sự đã và đang triển khai thử nghiệm các biện pháp phòng trừ bằng các loại chế phẩm sinh học để phòng trừ nhằm tạo sự an toàn cho sản phẩm và bảo vệ môi trường được bền vững. Kết quả bước đầu cho thấy chế phẩm sinh học đã có tác dụng và đạt hiệu quả khả quan đối với bệnh trên vườn ươm và trong vườn sản xuất. Tỷ lệ lên mầm cao và cây con phát triển khỏe. 2 loại bệnh trên vườn sản xuất đã hạn chế đáng kể. Thạc sĩ Mai Văn Quân cho biết: “Hiện nay tại vườn ươm của Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô chúng tôi đã xử lý mùn núi. Mùn núi được thu gom lại và được xử lý bởi các chế phẩm như: Trcichoderma, Bacillus, Steptomyces lydicus và Bacillus subitilis, sau đó chúng tôi sử dụng mùn núi này làm giá thể để gieo hạt sâm Ngọc Linh, kết quả cho thấy ban đầu tỉ lệ nảy mầm đạt trên 80%, một số vườn ươm khác chúng tôi cũng xử lý các sản phẩm thì cho ra kết quả cũng rất là tốt, cây khỏe, xanh, đồng đều so với đối chứng”

“Phải khẳng định rằng sau khi chúng tôi nghiên cứu và kết hợp các chế phẩm sinh học Nano bạc và các chế phẩm sinh học của Viện Bảo vệ thực vật đến nay chúng tôi thấy trước mắt ngay từ cây giống mọc lên nó cũng chắc và lá cũng đậm và xanh hơn. Cho nên bước đầu chúng tôi thấy sức đề kháng của nó đảm bảo hơn các năm trước đây chưa dùng các chế phẩm sinh học”. Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đăk Tô cho biết.

Có thể thấy rằng, những thí nghiệm thực tiễn trên cây sâm Ngọc Linh về phòng trừ sâu bệnh hại đã cho kết quả khả quan. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, hộ dân trồng sâm Ngọc Linh áp dụng nhằm góp phần chăm sóc, phát triển, bảo vệ tốt vườn sâm. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Thủ tướng Chính phủ gọi là Quốc bảo của quốc gia. Giá trị sâm Ngọc Linh càng lớn thì đời sống của người dân trồng sâm nhất định sẽ thay đổi, doanh thu của doanh nghiệp trồng sâm càng cao góp phần tăng trưởng kinh tế cho Kon Tum.

Hoàng Lợi – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *