(kontumtv.vn) – Trong khuôn khổ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, các đoàn nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên đã phục dựng lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Đây được xem là hoạt động tâm linh quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Tại công viên Đồng Xanh (xã An Phú, thành phố Pleiku), đoàn nghệ nhân làng Đăk Wơk (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã phục dựng Lễ cầu an theo nghi thức truyền thống của người Ba Na nhánh Rơ Ngao. Đây được xem là nghi lễ quan trọng đối với mọi thành viên trong làng, từ già trẻ, gái trai, đàn ông, đàn bà. Nghệ nhân A Thút, Đoàn nghệ nhân huyện Sa Thầy nói: “Có khi dân làng nọ làng kia họ cũng bỏ quên, sau này họ gặp bệnh tật ở trong làng nhiều thì họ mới giật mình, già làng và dân làng họ mới bàn bạc với nhau bây giờ mình  phải làm lễ cầu an đi”.

Trong đời sống tâm linh của người Ba Na nhánh Rơ Ngao tại làng Đăk Wơk, rất nhiều nghi lễ được tiến hành như lễ mừng lúa mới, lễ mừng chiến thắng, nhưng nghi lễ cầu an được dành cho tất cả mọi người với mong muốn xua đuổi mọi tà ma, dịch bệnh, mang lại sức khỏe, ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Nghệ nhân A Thút nói: “Lễ cầu an mang tính chất rất tốt đẹp, cầu mong cho già trẻ, gái trai có sức khỏe, mạnh khỏe sống trong ngôi làng. Nếu như lễ ăn trâu mừng chiến thắng là lễ cho người lớn thì mới đánh giặc mới chiến thắng, còn đây là cầu mong cho mọi người già trẻ, gái trai”.

PHUC DUNG LE HOI TRUYEN THONG

Với người Chu Ru tại xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), việc tổ chức lễ sạ lúa lại rất quan trọng. Trong vòng đời của cây lúa, sạ lúa là công đoạn đầu tiên, đánh dấu sự bắt đầu của một sự sống; ở thời điểm này, người Chu Ru tổ chức lễ sạ lúa nhằm mục đích cầu mong cho mưa thuận gió hòa, không có thiên tai dịch bệnh, mùa màng bội thu. Nghệ nhân Ya Bốt, Đoàn nghệ nhân huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Sạ lúa đầu năm khỏi chim khỏi mưa gió, cây lúa mọc đều sau này mình thu hoạch cho nhiều lúa, nhiều bắp, sau này có gạo ăn. Nếu mình không làm như thế thì chim nó ăn hoặc mưa nhiều quá thì lúa không năng suất”.

Việc phục dựng các nghi lễ truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Độc đáo và mới lạ chính là cảm nhận của nhiều du khách khi được theo dõi những nghi thức truyền thống, cách hóa trang, các điệu múa, những câu thần chú hô gọi trong lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Anh Võ Duy Tiên, Hội Nhiếp ảnh Kon Tum  cảm nhận: “Bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng, nếu như không có những chương trình phục dựng lễ hội như thế này thì rất khó, cồng chiêng của chúng ta sẽ bị mai một. Hiện nay có nhiều bản làng đã quên hẳn cồng chiêng và nghi thức lễ. Từ những lễ hội này để nêu cao vai trò trách nhiệm của quần chúng nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Có thể nói, các lễ hội cầu an, cầu mùa, sạ lúa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên không đơn thuần là các hoạt động tâm linh truyền thống nhằm tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu, sức khỏe tràn đầy, mà còn là dịp để họ cùng nhau vui chơi, là không gian để họ cùng nhau thể hiện những điệu chiêng xoang truyền thống. Đồng thời đây cũng là dịp để cộng đồng các dân tộc thể hiện tình đoàn kết, gắn bó, góp phần giáo dục con cháu giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Trong khuôn khổ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, ngoài lễ cầu an của người Ba Na tỉnh Kon Tum, lễ sạ lúa của người Chu Ru tỉnh Lâm Đồng còn có lễ cúng cây nêu cầu an của người Ê Đê tỉnh Đăk Lăk, lễ cúng sức khỏe của người M’nông, tỉnh Đăk Nông và lễ mừng nhà rông mới của người Ba Na, tỉnh Gia Lai.

Nguyễn Thu – Quang Mẫn – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *