(kontumtv.vn) – Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, phương án tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi hoàn toàn không thuyết phục, cần phải làm lại.

Người lao động ở khu vực nặng nhọc sẽ phản ứng

Thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Lao động ngày 29/5, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, phương án Tăng nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi của ban soạn hoàn toàn không thuyết phục, cần phải làm lại. Theo đại biểu Thịnh, phải lấy căn cứ của đối tượng bị điều chỉnh mới là cơ sở, khoa học. Luật không thể khái quát hết được, câu chuyện sẽ tạo sự không đồng thuận trong xã hội nếu không có căn cứ một cách triệt để, thuyết phục thì chắc sẽ có nhiều ý kiến khác nhau.

phuong an "nu tang 60 tuoi, nam tang 62 tuoi" lieu co thuyet phuc? hinh 1

(Ảnh minh họa: KT)

“Phương án này chưa thuyết phục, vì nếu nhìn thực tiễn của Việt Nam, người phụ nữ vất vả hơn nam giới nhiều trong cả gia đình và xã hội. Đó là sự không bình đẳng cần phải xử lý. Kể cả các Bộ trưởng hay những người không có quyền chức gì về hưu, thì người phụ nữ phải lo hết. Tại sao phụ nữ đã lao động 8 tiếng ở cơ quan, về nhà lại phải lo công việc khác, đó là bất bình đẳng chứ không phải bình đẳng”- đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu ý kiến.

Đại biểu Thịnh đề nghị, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì phải tăng dần dần. Cụ thể, nếu tăng nam lên 62 tuổi thì nữ tăng nhiều nhất là 57-58, tăng lên 60 tuổi là không thuyết phục. Nhiều người lao động ở khu vực, khối công việc nặng nhọc sẽ phản ứng. Bên cạnh đó, người lao động ở cơ quan hành chính sự nghiệp có thể tăng 60 tuổi.

“Khi các đối tượng khác nhau mà đưa hết vào câu chuyện này là hoàn toàn không đúng. Do đó, tôi đề nghị cần tính thêm, chia nhỏ các loại đối tượng khác nhau, nếu các cán bộ viên chức nhà nước có thể lên 60 thì điều chỉnh bằng luật khác, còn những người lao động theo quan hệ lao động ngoài nhà nước hoặc doanh nghiệp, phi chính phủ thì điều chỉnh bằng một bộ luật nào đó thì sẽ hợp lý hơn”- đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết.

Đại biểu Thịnh cũng cho rằng, sẽ không bao giờ có mẫu số chung cho toàn xã hội. Vì vậy, Ban soạn thảo cần có lập luận vững chắc, thuyết phục và phải lấy ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh của Luật, sau đó mới quyết. Bởi nếu cứ quyết sau đó tạo sự không đồng thuận trong xã hội thì không nên.

Tăng tuổi nghỉ hưu có tác động đến quy hoạch lãnh đạo?

Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa)- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đến năm 2020, giả sử theo phương án 1, tất cả những người cộng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ thì đương nhiên công tác quy hoạch của những người giữ chức vụ lãnh đạo đó sẽ được cộng thêm tương ứng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng có tác động đến việc thay thế đội ngũ cán bộ quản lý lãnh đạo, tuy nhiên theo đại biểu này, việc tác động sẽ rất chậm.

phuong an "nu tang 60 tuoi, nam tang 62 tuoi" lieu co thuyet phuc? hinh 2
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa).

“Những người thực sự có tài, cơ quan đơn vị có nhu cầu, Đảng có đề xuất, người ta có nguyện vọng thì có thể giữ lại. Đây phải là những trường hợp hết sức đặc biệt, coi là nhân tố trí tuệ cao. Như trong Bộ Chính trị, có những bác hơn 65, 67 tuổi, tại sao phải giữ lại? Vì những người này là nhân cốt của lãnh đạo. Ngoài ra, không phải họ thích làm mà đây là nhu cầu của Đảng, họ có trí tuệ và có tín nhiệm với nhân dân”- ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, mặc dù năm 2014, khi làm Bộ luật Lao động đã lấy ý kiến toàn dân về tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, lần này việc lấy ý kiến có phần gấp gáp, nhanh hơn. Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, cần tiếp tục lấy ý kiến, điều quan trọng là phải lấy ý kiến người lao động ở tất cả các ngành nghề lao động để xác định ngành nghề nào có thể làm đến 60 – 62 tuổi, ngành nghề nào không thể nâng lên, thậm chí ngành nghề nào phải giảm tiếp 5 năm… để tạo sự đồng thuận./.

Thy Hạt/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *