(kontumtv.vn) – Do không quy hoạch tổng thể trong sản xuất và không kiểm soát được việc chuyển đổi cây trồng, làm cho nhiều công trình hồ đập thủy lợi bị quá tải.  Điều này làm gia tăng thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

 Đập Đăk Tu Wít do UBND thành phố Kon Tum quản lý, được xây dựng vào những năm 80 của thế kỷ 20, với mục tiêu phục vụ tưới cho gần 10 ha lúa nước ở vùng hạ lưu. Hơn 30 năm nay, cánh đồng này trở thành vùng sản xuất lúa nước ổn định của người dân 2 xã Vinh Quang và NgọcBay. Vào mùa khô năm 2016, hơn 6 ha của cánh đồng này bị bỏ hoang vì đập không đủ nước tưới. Số diện tích lúa nước còn lại cũng đang thiếu nước tưới vì lòng hồ hiện nay thấp hơn mực nước chết. Ông Nguyễn Đình Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum cho biết: “Thứ nhất là do thời tiết nắng hạn kéo dài, thứ hai là do một số hộ dân chuyển đổi cây trồng từ cây cao su sang cây cà phê, họ sử dụng nguồn nước đập tưới cho cà phê trong mùa nắng hạn làm lượng nước vơi đi, ảnh hưởng đến việc tưới cho cây lúa. Xã có tuyên truyền, nhưng không có chế tài để xử lý, phần  vì làm ăn kinh tế của người dân. Xã không xử lý được vì cuộc sống mưu sinh của dân”.

UBND xã Vinh Quang cho biết, đập Đăk Tu Wít  hiện bị quá tải trên 100% so với thiết kế. Tuy nhiên, nguy cơ quá tải sẽ cao hơn trong vụ sản xuất tới là chắc chắn.

Hồ thủy lợi cạn khô do quá tải
Hồ thủy lợi cạn khô do nắng hạn và quá tải

Khu vực hành lang bảo vệ các hồ, đập thủy lợi thường được trồng cây rừng để chống sạt lở và bảo vệ nguồn sinh thủy. Đây không phải là vùng tưới trong thiết kế. Tuy nhiên, việc lấn chiếm hành lang bảo vệ đập để trồng cây công nghiệp, nhất là cây cà phê, hồ tiêu đã diễn ra khá phổ biến. Hệ lụy là nhiều diện tích nằm trong lưu vực tưới bị thiếu nước vào mùa khô hạn. Nguy hiểm hơn, dung tích lòng hồ bị thu hẹp và công trình bị quá tải. Ông Trương Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật – Quản lý công trình, Ban Quản lý các công trình thủy lợi Kon Tum nói: “Đơn vị quản lý, khai thác 62 hồ, hiện có khoảng 20 % hồ bị quá tải. Hiện nay dân có khuynh hướng chuyển đổi cây trồng, sử dụng nguồn nước hồ, sẽ dẫn đến hồ thiếu nước và công trình bị quá tải ngày càng tăng, việc này gây nguy hiểm trong sản xuất. Vì khi thiếu nước rồi thì toàn bộ diện tích sẽ đồng loạt thiếu nước nghiêm trọng”.

Nguyên nhân của sự gia tăng diện tích cây trồng cần nước, gây áp lực lên các hồ, đập thủy lợi là do nhiều địa phương chưa có quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn. Mặt khác, việc không tuân thủ theo quy hoạch vùng tưới của các công trình thủy lợi đã làm cho các hồ đập bị quá tải. Đơn cử tại huyện Đăk Tô, trong tổng số 35 công trình hồ đập do Trạm Thủy nông huyện quản lý, có đến 10 công trình bị quá tải từ 130% đến gần 400%. Sự quá tải của hồ C 19 ở xã Diên Bình là minh chứng. Được thiết kế để tưới cho 74 ha cây trồng nhưng hiện tại, đập C 19 phải cung cấp nước tưới cho trên 200 ha cây trồng, chủ yếu là cà phê. Bên cạnh đó, phần lớn các công trình thủy lợi do huyện Đăk Tô quản lý cũng nằm trong diện quá tải. Hệ lụy là vụ đông xuân 2015-2016, toàn huyện có 60 ha lúa nước và hàng trăm ha cây công nghiệp bị ảnh hưởng do nắng hạn. Trong đó có gần 23 ha lúa nước có nguy cơ mất trắng. Ông Tưởng Văn Khanh, Phó trưởng Phòng NN&PTTN huyện Đăk Tô cho biết: “Đến nay, huyện Đăk Tô chưa quy hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp, việc phát triển nông nghiệp dựa trên phát triển thủy lợi và các vùng tưới hưởng lợi từ các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, hiện các khu tưới vượt tầng suất thiết kế so với quy hoạch đã được phê duyệt. Theo kinh tế thị trường, người dân tập trung phát triển một số cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu nên vượt so với thiết kế ban đầu”.

“Chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy hoạch vùng tưới, thực hiện tưới tiết kiệm” là câu trả lời của nhiều địa phương với phóng viên Đài PT-TH Kon Tum về việc tổ chức sản suất hàng năm. Tuy nhiên, hiệu quả của việc tuyên truyền, vận động đạt đến đâu và người dân có tiếp cận được nội dung tuyên truyền hay không là câu chuyện khác. Trong thực tế, mỗi ngày lại có thêm nhiều ha cà phê, hồ tiêu được trồng mới và nguy cơ các hồ đập bị quá tải nhiều hơn vào mùa khô năm sau là khó tránh khỏi.

Một khi việc sản xuất, chuyển đổi cây trồng vẫn diễn ra theo phong trào chưa được giải quyết triệt để, thì nguy cơ mất trắng diện tích cây trồng do các công trình hồ đập thủy lợi bị quá tải là khó tránh khỏi.Nếu không ngăn chặn được tình trạng chuyển đổi cây trồng một cách tự phát như hiện nay thì việc những hồ đập bị khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra và công tác chống hạn trong những năm tiếp theo sẽ ngày càng khó khăn hơn.

                                                                   Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *