(kontumtv.vn) – Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại kiến nghị Quốc hội có thông điệp gửi đến cử tri và nhân nhân về quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo.

Phát biểu tại buổi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 215 và kế họach phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, ngày 3/11, đại biểu Quốc hội Võ Thị Hồng Thoại – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Mỗi khi gặp gỡ cử tri, chúng tôi đều cảm nhận nỗi lo lắng sâu sắc trước tình hình chủ quyền biển đảo nước ta bị xâm phạm, hoạt động bình thường của ngư dân, của lực lượng làm nhiệm vụ bị đe dọa, hiểm nguy”.

Theo đại biểu, chủ trương chính sách phát triển kinh tế biển đã được Đảng đề ra từ Đại hội VIII tháng 6/1996. Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X (tháng 2/2007) ra Nghị quyết số 09 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xác định: Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh, xây dựng phát triển phát triển toàn diện các lĩnh vực, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh…

quoc hoi can co thong diep quyet tam bao ve toan ven chu quyen bien dao hinh 0
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Hội trường

Đại hội XI của Đảng tháng 1/2011 tiếp tục khẳng định vị trí tiềm năng kinh tế biển, đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển; đồng thời đề ra một số nhiệm vụ cụ thể về kinh tế biển.

“Đến nay đã hơn 8 năm rồi, Quốc hội, Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và kết quả thực hiện đạt đến đâu? Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng an ninh trong 5 năm 2016 – 2020 chưa được báo cáo, đánh giá rõ nét”, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại nói.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Bạc Liêu đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, gắn đảm bảo quốc phòng, an ninh bằng những cơ chế, chính sách cụ thể. Tập trung nguồn lực đúng, đủ và đảm bảo khả năng trong thời gian tới.

“Đồng thời tại kỳ họp này, kiến nghị Quốc hội cần có thông điệp gửi đến cử tri và nhân dân cả nước biết trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ quyết tâm bảo vệ, giữ vững toàn vẹn chủ quyền biển, đảo”, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng phải chú trọng đẩy mạnh kinh tế biển, bởi “mình nói nhiều nhưng thực sự kinh tế biển chưa được chú trọng lắm!”.

Ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị phải xây thêm âu tàu cho tàu thuyền của ngư dân neo đậu ở các đảo lớn ở Trường Sa. Cùng với đó là cung cấp các dịch vụ hậu cần như nước, xăng dầu, thu mua và chế biến hải sản cho ngư dân ngay ở các đảo, cũng như nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, theo ông Tùng, nên tổ chức du lịch vì “dân chúng ta khao khát đi du lịch ra Trường Sa” qua đường hàng không, đường biển./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *