(kontumtv.vn) – Sâm Ngọc Linh là một trong những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Phát huy lợi thế và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từ nhiều năm qua, một số doanh nghiệp và người dân ở một số huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã liên tục trồng thử nghiệm và ngày càng mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Để bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động trọng tâm, trong đó có việc ban hành Quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh. Quy trình này sẽ giúp cho người dân trồng sâm đạt hiệu quả cao hơn.

Sâm Ngọc Linh là sản vật quý của tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, được trồng ở độ cao trên 1.200 m, được đánh giá là loại sâm tốt trên thế giới. Mặc dù mới được phát hiện từ năm 1973, nhưng từ xa xưa sâm Ngọc Linh đã được sử dụng như một bài thuốc cổ truyền trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Trung Trung bộ Việt Nam. Từ khi những giá trị về khoa học của cây dược liệu quí này được phổ biến rộng rãi, sâm Ngọc Linh được tìm mua với giá thị trường khá cao. Chính vì vậy, việc đầu tư trồng sâm Ngọc Linh và ngày càng mở rộng diện tích ươm trồng là xu thế tất yếu. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đến thời điểm hiện nay, huyện Tu Mơ Rông là địa phương có diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhiều nhất.

Nhân giống sâm Ngọc Linh
Nhân giống sâm Ngọc Linh

Theo thống kê sơ bộ, huyện Tu Mơ Rông hiện có gần 330 ha diện tích sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tự nhiên. Địa phương có định hướng phát triển diện tích cây sâm Ngọc Linh lên 500 ha vào năm 2020. Song song với việc thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích, huyện còn chú trọng triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn nguồn gene của loại sâm quý hiếm này. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói: “Khuyến cáo người dân trong giai đoạn hiện nay là bà con không được mua nguồn giống sâm không nằm trong địa bàn huyện Tu Mơ Rông và không phải là nguồn giống sâm do Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh cung cấp. Còn đối việc bảo tồn giống sâm tự nhiên, bà con đã di thực đến vùng trồng của mình rồi thì cố gắng trồng để khai thác hạt để ươm giống, phát triển. Trong thời điểm nay, bà con nên bảo tồn, phát triển nguồn sâm, không nên bán sâm non. Thứ nhất là nó sẽ mất đi giá trị của sâm. Thứ hai là giảm đi vùng phát triển sâm”.

Thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã tập trung triển khai các hoạt động nhằm thực hiện 2 mục tiêu chính, đó là bảo vệ giống sâm Ngọc Linh địa phương, tránh tình trạng bị lai các giống sâm ngoại lai; thực hiện nhân giống và mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã phát triển được 15 ha sâm giống và sâm gốc.

  Ngày 26/8/2016, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Lễ Công bố và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ. Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh, là cơ sở pháp lý để tỉnh có những định hướng và giải pháp hiệu quả trong quản lý và phát triển sâm Ngọc Linh.

Đặc biệt, nhằm bảo tồn và phát triển loại sâm quý Ngọc Linh, ngày 10/7 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 648 về quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum, áp dụng cho các vùng trồng sâm Ngọc Linh theo quy hoạch trên địa bàn.  Quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã quy định cụ thể về điều kiện sinh thái trồng sâm Ngọc Linh, tiêu chuẩn cây giống sâm Ngọc Linh xuất vườn; quy trình gieo ươm, trồng, chăm sóc và thu hoạch.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị thực hiện gieo ươm giống sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Hạt giống trên vườn cây mẹ tại hai đơn vị này đã được công nhận nguồn giống theo quy định.

 Để góp phần bảo tồn, phát triển giống sâm Ngọc Linh hiện có, các địa phương có định hướng phát triển loại cây này đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn gene giống. Ông A Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Xã sẽ tiếp tục xuống các thôn nói bà con nên bảo tồn những cây hiện có, cứ cây nào có hoa thì tiếp tục nhân rộng tại vườn, cây mình có thì tiếp tục cho các hộ dân khác lấy về trồng để bảo tồn. Xã cũng thường xuyên xuống thôn quán triệt về sâm giả, sâm thật, đến thời điểm này qua kiểm tra thì chưa phát hiện, không phát hiện sâm giả nào trên địa bàn”.

Bảo tồn, phát triển nguồn sâm Ngọc Linh là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Vì đây là nền tảng quan trọng để tỉnh Kon Tum thực hiện mục tiêu nâng tầm danh tiếng, giá trị của sâm Ngọc Linh, một trong 9 sản phẩm đã được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum.

Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *