(kontumtv.vn) – Những ngày đón năm mới 2019, du khách đến với Đà Lạt thường hay ghé thăm các làng nghề truyền thống trồng hoa của Đà Lạt đã được hình thành gần 100 năm nay và thực sự đã trở thành biểu tượng của thành phố cao nguyên.

Sinh ra và lớn lên ở đây, tình yêu đối với mảnh đất cao nguyên này dường như đã ăn vào máu của ông Vũ Nhuần, hiện đang ngụ tại phường 8 – TP. Đà Lạt. Ông Nhuần theo nghề trồng hoa cũng là tiếp nối truyền thống của gia đình, từ những năm 1936, bố mẹ ông Nhuần đã vào đây khai hoang, rồi nhận thấy lợi thế của vừng đất này, gia đình ông đã  lập nghiệp từ nghề trồng hoa và góp phần hình thành nên làng hoa Hà Đông cho đến ngày nay. Hiện, với hơn 1 ha nhà kính, trồng chủ yếu là hoa hồng và cúc kim cương,… mang lại cho gia đình ông tổng thu nhập trên 3 tỷ đồng mỗi năm. Ông Vũ Nhuần nói: “Ngành hoa phát triển ưu đãi nhờ Đà Lạt là một trong những thành phố ở Đông Nam Á có khí hậu tốt, ổn định, hỗ trợ cho cây hao phát triển tốt nhất nên gia đình tôi kinh tế khá ổn định”.

ruc ro nhung lang hoa da lat

Đối với người dân Đà Lạt, hoa là biểu tượng của thành phố và cũng là niềm tự hào của của họ. Và chắc hẳn, tất cả những thành quả của ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của bàn tay, khối óc con người, đó là còn nhờ vào điều kiện khí hậu, thiên nhiên ưu đãi để hoa trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của ngành nông nghiệp Đà Lạt, đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Ông Vũ Trung Chính,Phó Ban Quản lý Làng hoa Hà Đông (phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Tháng 12/2009, công nhận làng hoa Hà Đông là làng hoa truyền thống đầu tiên của TP. Đà Lạt. Sản phẩm hoa Đà Lạt nói chung có sự đóng góp rất lớn từ hoa Hà Đông đối với sự nghiệp phát triển chung của thành phố ngàn hoa Đà Lạt”.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Đà Lạt đã xây dựng được 4 làng hoa truyền thống quy mô lớn và có thương hiệu, gồm: Làng hoa Thái Phiên – Phường 12; Làng hoa Hà Đông – Phường 8; Làng hoa Vạn Thành -Phường 5; và Làng hoa Xuân Thành – xã Xuân Thọ. Với tổng diện tích hoa khoảng 600 ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3.200 lao động. Hàng năm, các làng hoa cung ứng cho thị trường trên 650 triệu cành. Giá trị thu hoạch bình quân từ trồng hoa của nông dân thành phố Đà Lạt đạt 800 triệu đồng/ha/năm. Việc ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống góp phần thúc đẩy, phát triển các làng hoa. Một số mô hình canh tác hoa chất lượng cao đạt giá trị sản xuất từ 1 – 3 tỷ đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Như Việt, Chủ tịch UBND phường 5, thành phố Đà Lạt nói: “Làng hoa Vạn Thành đã tập trung, có đầu tư cơ sở hạ tầng trong đó có dịch chuyển kinh tế từ du lịch canh nông. Hiện nay trên địa bàn có 4 doanh nghiệp đầu tư vào du lịch canh nông, số lượng khách hàng năm đều tăng đến tham quan các mô hình du lịch canh nông, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao”.

Đà Lạt – thành phố ngàn hoa, vì vậy, các làng hoa từ lâu cũng đã trở thành điểm đến tham quan, thưởng ngoạn những cánh đồng hoa bạt ngàn sắc màu. Dự kiến, đến năm 2020, mỗi làng hoa ở Đà Lạt sẽ hình thành 1 – 2 hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất hoa công nghệ cao gắn với hoạt động du lịch canh nông, kết nối 4 – 5 tuyến du lịch nổi tiếng của Đà Lạt đến với các làng hoa, thu hút trên 20.000 lượt du khách đến với các làng hoa. Chị Lương Thị Trang Đài, du khách Kiên Giang cảm nhận: “Ở làng hoa, sắc màu rực rỡ với bàn tay chăm chút của nghệ nhân, đem đến cho tôi cảm giác yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Sau những ngày đi du lịch đến Đà Lạt, tôi cảm thấy yêu quê hương đất nước mình hơn”.

Nhìn cách ông lê Văn Diệp, một lão nông ở làng hoa Vạn Thành chăm chút cho từng cành hoa mới thấy tình yêu mà những người nông dân ở đây dành cho hoa nhiều như thế nào. Đó cũng chính là nguồn cội tạo nên sức sống mãnh liệt và bền bỉ cho những làng hoa ở Đà Lạt suốt 125 năm qua.

Phương Thảo -Nguyên Phùng

Đài PT-TH Lâm Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *