(kontumtv.vn) – Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy có quyền tự hào vì đã đoàn kết, phát huy tốt truyền thống, chung tay, chung sức xây dựng huyện phát triển về mọi mặt.

 Vào những ngày cuối tháng 12 năm 2018, cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy hân hoan chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập huyện. Huyện Sa Thầy hôm nay đã là miền quê trù phú, giàu tiềm năng về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch, vững chãi về an ninh – quốc phòng, phong phú và đặc sắc về văn hóa.

Còn nhớ, tại vùng đất này trước khi quê hương, đất nước được giải phóng, Mỹ – Ngụy đã xây dựng ở đây thành một căn cứ liên hoàn với âm mưu khống chế đường tiếp viện của ta từ miền Bắc qua nước bạn Lào và Campuchia về Tây Nguyên và Việt Nam. Lúc bấy giờ, khu vực này phần lớn là rừng núi, bom đạn và có một ít làng đồng bào dân tộc thiểu số sống trong cảnh kèm kẹp, bóc lột của Mỹ Ngụy.

Diện mạo nông thôn Sa Thầy ngày càng khởi sắc
Diện mạo nông thôn Sa Thầy ngày càng khởi sắc

Khi quê hương, đất nước vừa được giải phóng, vết thương chiến tranh chưa lành, cũng là thời điểm huyện Sa Thầy được thành lập với mục tiêu xây dựng vùng đất này trở thành phên dậu vững chắc trên tuyến biên giới của tỉnh. Những ngày đầu xây dựng huyện với bao bộn bề gian khó, những thuận lợi trong kháng chiến chống Mỹ giờ lại thành rào cản cho sự phát triển. Bởi lẽ, hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm gần như chưa có. Tuyến đường huyết mạch nối từ thị xã Kon Tum đến trung tâm huyện luôn bị ách tắc trong mùa mưa lũ. Trình độ dân trí còn thấp, tỉ lệ đói nghèo cao. Bên cạnh đó, tàn quân Fun-rô và các thế lực thù địch vẫn âm thầm chống phá.

Không chùn bước trước khó khăn, cấp ủy, chính quyền huyện Sa Thầy đã đề ra nhiều giải pháp táo bạo, đúng đắn làm tiền đề cho sự phát triển ổn định và lâu dài. Đó là tập trung đón nhận người dân ở các tỉnh phía Bắc, các tỉnh đồng bằng miền Trung lên xây dựng kinh tế mới, từng bước mở rộng địa bàn khu dân cư và hình thành nên các xã mới. Bên cạnh đó, chủ trương vận động nhân dân khai hoang, phục hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng được triển khai đồng bộ; tạo cơ sở để các xã Sa Bình, Sa Nghĩa, Sa Sơn, Sa Nhơn và thị trấn Sa Thầy được hình thành, làm tiền đề cho sự phát triển của huyện Sa Thầy hôm nay.

Với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền huyện Sa Thầy đã triển khai nhiều chính sách hợp lý để thúc đẩy khu vực này phát triển. Trên cơ sở đó, huyện ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động gắn với phân công cán bộ cấp ủy và các cơ quan nhận giúp đỡ trực tiếp. Đến nay, diện mạo các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã đổi thay rõ nét. Chuyện du canh, du cư, phát, đốt, chọc, tỉa, phá rừng làm nương rẫy, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đông con giờ đã là quá khứ. Các thôn làng giờ đây đã khang trang, sạch đẹp với những tuyến đường nội thôn được bê tông hóa, những căn nhà mới được xây dựng kiến cố và những vườn cao su, cà phê, bời lời, ruộng nước tươi tốt. Người dân ở các xã như Mô Rai, Rờ Kơi, Ya Xiêr, Ya Ly, Ya Tăng, Hơ Moong giờ đã biết sản xuất hàng hóa, trồng cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu để nâng cao thu nhập.

Trong xây dựng và phát triển, huyện Sa thầy đã có nhiều giải pháp phù hợp để thu hút đầu tư gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, huyện có 61 doanh nghiệp, 268 cơ sở công nghiệp xây dựng- tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn về chế biến tinh bột sắn và cao su. Đây là cơ sở để huyện thu ngân sách địa phương đạt trên 85 tỷ đồng, đạt tăng trưởng bình quân trên 13%/năm.

Sự đổi thay, phát triển dễ nhận thấy nhất đó là đô thị trung tâm của huyện Sa Thầy. Thị trấn Sa Thầy hôm nay đã được đầu tư mở rộng theo hướng thân thiện với môi trường và hiện đại; được công nhận là đô thị loại 5, xứng đáng là trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ của huyện; góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa huyện Sa Thầy phát triển.

Cùng với kinh tế và đô thị, lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục huyện Sa Thầy sau 40 năm đã có sự đổi thay vượt bậc. Toàn huyện có 50 trường học ở các bậc học với hệ thống lớp học đến tận thôn làng; 7/11 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chi quốc gia về Y tế, tất cả 11 trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ. Toàn huyện có 28 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, hơn 6.300 hộ được công nhận gia đinh văn hóa và 40 thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, các hoạt động thể thao quần chúng diễn ra khá sôi nổi, rộng khắp, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia; các lễ hội truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phục dựng. Trong đó, thành tựu nổi bật nhất đó là công tác xóa đói, giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn hơn 20%, giảm gần 13,5% sơ với năm 2015. Đây là cơ sở để huyện Sa Thầy tiếp tục phấn đấu đạt thành tích cao hơn trong thời gian đến. Ông Rơ Chăm Giáo, Bí Thư Huyện ủy Sa Thầy cho biết: “Thời gian đến, để phát huy những thành quả đạt được, huyện Sa Thầy đề ra một số mục tiêu cơ bản: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, tăng cường xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh từ huyện đến cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; tranh thủ mọi nguồn lực để phát huy cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để góp phần thực hiện CNH-HĐH đất nước và chủ trương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường”.

Cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy có quyền tự hào về chặng đường 40 năm đã qua. Huyện Sa Thầy hôm nay đã thoát khỏi thế ngõ cụt và trở thành đầu mối giao thông quan trọng trên tuyến biên giới của tỉnh. Vùng đất đầy vết tích chiến tranh năm xưa giờ đã là địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, nhiều địa danh huyền thoại. Vùng đất lành này giờ đã là điểm hội tụ các dân tộc anh em với thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, là điểm tựa an toàn trên tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum.

Văn Hiển – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *