(kontumtv.vn) – Trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, thiếu nước xảy ra liên tục, lượng nước ngày càng sụt giảm, để chủ động phòng chống nắng hạn, hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã chuyển đổi từ hình thức tưới nước thông thường sang mô hình tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, góp phần giải phóng sức lao động và tiết kiệm được nguồn nước trong quá trình sản xuất.

Mặc dù vốn đầu tư ban đầu cao, nhưng đổi lại tiết kiệm được một nửa lượng nước tưới và chi phí nhân công lao động so với tưới nước truyền thống là hiệu quả của hình thức tưới tiết kiệm nước được ông Phạm Tấn Dũng (thôn Nhơn Nghĩa, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) cho biết. Tháng 3/2018, ông chuyển đổi 5 sào đất trồng cao su sau khi hết chu kỳ khai thác sang trồng 500 gốc chanh dây. Do khu vực này là đồi cao nên việc lấy nước rất vất vả. Thấy hiệu quả từ mô hình tưới nước tiết kiệm, vợ chồng ông đầu tư thực hiện. Đường ống nước được dẫn qua các gốc cây, và mỗi gốc cây được thiết kế một van phun nước tự động. Chỉ mất vài phút điều chỉnh các van chính, nguồn nước sẽ được đưa đến từng khu vực. Ông Phạm Tấn Dũng chia sẻ: “Tính ra lợi hơn tưới truyền thông một nửa, công cán, nhân công của mình, nước non tiết kiệm nữa, nó khỏe lắm”.

Vườn cà phê được tưới bằng hệ thống tiết kiệm nước
Vườn cà phê được tưới bằng hệ thống tiết kiệm nước

Nhờ áp dụng mô hình này nên diện tích cây trồng của gia đình ông phát triển thuận lợi. Với giá cả ổn định như hiện nay, bình quân 3 ngày vợ chồng ông thu nhập từ 1 triệu đến 2 triệu đồng từ việc bán chanh dây.

Trước đây để tưới một ha cà phê, gia đình anh Bùi Văn Hiếu (thôn Sơn An, xã Sa Sơn) phải mất 2 đến 3 ngày tưới với 2 nhân công lao động, rất vất vả. Nhưng năm nay anh đầu tư gần 40 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới béc phun mưa cho cây cà phê và cây sầu riêng. Với hệ thống này, anh chỉ cần bật công tắc điện, thực hiện vài thao tác điều chỉnh các van mở nước là có thể tưới cho cả vườn cây. Anh Hiếu cho biết: “Gia đình tôi đã lắp đặt và tưới gần được một năm nay, tưới hiện đại này không tốn nhân công, mình có thể đi làm việc khác được, mình bật máy lên thôi, 3 tiếng sau chuyển béc một lần, không tốn nhân công, tiết kiệm được nước, không thất thoát, thấm đều. Hệ thống này rất hiệu quả, bà con đầu tư lúc đầu hơi tốn kém, nhưng mình thấy nhàn”.

Hiện nay, để chủ động ứng phó với nắng hạn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Sa Thầy đã áp dụng cách tưới nước tiên tiến, tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa… cho cây ăn quả, cây cà phê. Chính quyền các địa phương đã vận động, khuyến khích người dân áp dụng mô hình này vào sản xuất để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cây trồng. Ông Huỳnh Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn nói: “Trên địa bàn xã đã phát triển một số mô hình tưới nước tiết kiệm, trong đó áp dụng tưới diện tích của cây chanh dây, cây cà phê, cây sầu riêng. Diện tích áp dụng khoảng 7 ha. Xã đang tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình này để bà con nhân dân trên địa bàn xã học hỏi, sử dụng, từ các vụ tới sẽ áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước để đảm bảo nguồn nước tưới trong quá trình sản xuất của bà con nông dân”.

Huyện Sa Thầy có hơn 3.000 ha cây trồng gồm rau hoa, cà phê, cây ăn quả và hồ tiêu cần nguồn nước tưới. Huyện phấn đấu từ nay đến năm 2020,  có 30%, đến năm 2025, có 50% diện tích cây trồng cạn chủ lực được tưới bằng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước thay thế phương pháp tưới truyền thống. Qua đó nhằm tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, giảm công chăm sóc, giảm chi phí quản lý vận hành công trình, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

CTV Trang Nhung – Thanh Huyền

                                                              

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *