(kontumtv.vn) – Để chủ động các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi trong giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán, UBND huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn.

Nguồn thu nhập chính của gia đình bà Đỗ Thị Hiệp (thôn 5, Thị trấn Sa Thầy) là chăn nuôi bò và heo. Hơn 10 năm chăn nuôi, kinh nghiệm của bà là phải thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho giá súc; con giống mua về phải biết rõ nguồn gốc, được tiêm vắc xin; chuồng trại và khu vực xung quanh phải thực hiện phun thuốc khử trùng tiêu độc. Nhờ vậy mà hơn 10 năm chăn nuôi, bà chưa bao giờ gặp gia súc bị mắc bệnh. Bà Hiên chia sẻ: “Tất cả các vắc xin, mọi quy trình bên thú y đi tiêm tôi chấp hành đầy đủ, từ vắc xin lở mồm long móng. Mùa hanh khô, đổi gió tôi bồi bổ thêm cho bò và phòng dịch, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu trùng khử độc, phun thuốc sát trùng đầy đủ để con bò khỏe mạnh”.

Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh

Để đối phó với dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi, kinh nghiệm của gia đình ông Lê Minh Tuân (thôn 5, thị trấn Sa Thầy) là thực hiện chăn nuôi theo vòng tròn khép kín, từ việc gây heo nái lấy con giống cho đến khi xuất chuồng heo thịt. Thức ăn cho vật nuôi cũng phải đảm bảo nấu chín, thêm hèm rượu, bổ sung dinh dưỡng cho heo tăng sức đề kháng. Thời điểm trời trở lạnh như hiện nay, ban đêm ông đốt trấu để giữ ấm cho đàn heo. Chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến, ông đang chăm sóc đàn heo thịt hơn 30 con, hứa hẹn sẽ mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá. Ông Lê Tuân cho biết: “Gia đình có số lượng heo nuôi thường xuyên từ 40 – 50 con, trong tình hình dịch bệnh xảy ra, gia đình chúng tôi thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại, từ tiêm vắc xin các loại bệnh thông thường đến kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình. Con giống đa phần nhà sản xuất ra được, hoặc mua hộ gia đình trong địa phương xác định rõ nguồn gốc mới mua”.

Huyện Sa Thầy hiện có gần 21.000 con gia súc và 152.000 con gia cầm; có 15 hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại, không có trang trại lớn. Hiện nay, trong giai đoạn chuyển mùa, tập quán chăn nuôi gia súc không có chuồng trại của một số hộ dân vùng ĐBDTTS vẫn còn, công tác vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc là rất cao. Mặc khác, Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu sử dụng, mua bán các sản phẩm từ gia súc, gia cầm tăng cao nên dịch bệnh trên vật nuôi rất dễ phát sinh và lây lan. Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy nói: “Từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm quan trọng, huyện đã quan tâm nhiều giải pháp, thực hiện tốt công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm, thực hiện tiêu trùng khử độc cho động vật trên cạn và dưới nước. Tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc, giống lợn nhập vào địa bàn và kiểm tra công tác vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật ra vào địa bàn”.

Để chủ động công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, huyện Sa Thầy đã tiếp nhận hơn 13.000 liều vắc xin lở mồm long móng, cúm gia cầm, tổ chức tiêm phòng đợt 2/2019 đảm bảo đúng kế hoạch đề ra; triển khai tốt các hoạt động trong tháng tiêu độc khử trùng đợt 2. Hiện nay nhu cầu tái đàn heo của người chăn nuôi tăng cao, nên nhu cầu nhập đàn heo giống nhiều; UBND huyện Sa Thầy đã ban hành Công văn số 2521, ngày 10/12/2019 về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt kiểm tra, kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo vào địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm các quy định; tổ chức thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến đường liên xã, liên huyện. Bà Nguyễn Thị Luyến cho biết: “Huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát chặt chẽ, kiểm tra về nguồn giống heo nhập vào địa bàn để hạn chế tình trạng nhập giống heo ồ ạt không kiểm soát dễ phát sinh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn”.

Huyện Sa Thầy tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, cũng như sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch của cơ quan chức năng; vận động, hướng dẫn hộ dân bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi trước diễn biến phức tạp của bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi và cúm gia cầm.

CTV Trang Nhung – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *