(kontumtv.vn) – Trước diễn biến phức tạp, khó lường của nhiều loại dịch bệnh như Covid-19, bạch hầu, sốt xuất huyết, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã cấp bách triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Sa Thầy ghi nhận 63 ca sốt xuất huyết và 15 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Riêng bạch hầu có 8 ca bệnh và 7 ca người lành mang trùng. Đa số các trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm vắc xin đúng lịch. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, các xã, thị trấn trong huyện đã huy động lực lượng tham gia chống dịch bằng nhiều hình thức.

Là một trong những ổ dịch bạch hầu mới của huyện, ngay sau khi phát hiện có ca nhiễm, xã Sa Bình đã khoanh vùng, cách ly y tế theo từng mức độ phù hợp với người dân địa phương. Đồng thời, xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Y tế… kiểm tra, rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho nhân dân.

Khám bệnh tại trạm Y tế xã
Nhà trường tăng cường phòng chống dịch bệnh cho học sinh

Cùng với địa phương, Trung tâm Y tế huyện đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, giám sát chặt chẽ sức khỏe người dân tại cộng đồng, kịp thời xử lý khi có các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã cấp 1.000 tờ rơi về phòng, chống bệnh bạch hầu và đến hộ gia đình để tuyên truyền về phòng, chống sốt xuất huyết trên 700 lần, với gần 5.000 người tham gia. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy nói: “Trung tâm Y tế đã đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị bạch hầu cũng như sốt xuất huyết và điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế. Đến nay các ổ dịch bạch hầu thì đã ổn định, không có ổ dịch mới và đã kết thúc ổ dịch. Còn sốt xuất huyết khi phát hiện ca bệnh đã dập ngay và không cho lan rộng”.

Để kịp thời khống chế dịch bệnh, đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai chiến dịch tiêm các vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Mục tiêu cụ thể được đề ra là trên 90% các đối tượng từ 02 tháng tuổi trở lên được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Trong giai đoạn “dịch chồng dịch” cũng là thời điểm học sinh bắt đầu năm học mới, đòi hỏi ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan phải chủ động các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, lây lan. Năm học 2020 – 2021, Trường THCS Nguyễn Tất Thành có hơn 550 học sinh với 19 lớp. Nhà trường xác định đây là năm học với mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa nâng cao chất lượng dạy và học. Cô giáo Trần Thị Hồi, Hiệu phó nhà trường cho biết: “Từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai công tác vệ sinh trường lớp sạch sẽ. Khi học sinh đến trường, trường cũng chú trọng công tác phòng chống dịch, nhà trường đã trang bị cho mỗi lớp học 1 bộ dụng cụ phòng chống dịch, chỉ đạo học sinh thường xuyên vệ sinh trường lớp, đảm bảo sạch sẽ, bàn ghế, nền lớp học thường xuyên thoáng mát”.

Bên cạnh công tác vệ sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Tổng Phụ trách đội, các thầy, cô giáo chủ nhiệm thường xuyên tuyên truyền đến học sinh về các biện pháp phòng chống dịch vào thứ 2 chào cờ đầu tuần, đầu tiết sinh hoạt của các lớp. Qua đó, giúp học sinh hiểu được các nguyên nhân gây bệnh và biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang khi tới trường, sử dụng nước uống riêng biệt, rửa tay theo 6 bước.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, hiệu quả công tác phòng, chống dịch phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân và cộng đồng.

CTV Diệp Hoàng – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *