(kontumtv.vn) – SGK ở cấp Tiểu học và một vài lớp đầu của cấp THCS sẽ có sự tích hợp các môn học. Còn ở bậc THPT sẽ được nghiên cứu để học sinh có thể lựa chọn môn.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, có tới 88,22% đại biểu bỏ phiếu tán thành thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Với việc thông qua Nghị quyết này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức việc biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Theo dự thảo Nghị quyết vừa được thông qua, yêu cầu đổi mới chương trình và SGK phổ thông là: Kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, SGK hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.

Từ năm học 2018 – 2019, ngành Giáo dục bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp Tiểu học, THCS và THPT.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương biên soạn chương trình để triển khai viết sách giáo khoa với mục tiêu đảm bảo phát huy được năng lực của học sinh. Để hiểu rõ hơn về công tác biên soạn chương trình, SGK mới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

SGK hướng tới tích hợp các môn học và phù hợp với năng lực học sinh

PV: Thưa Bộ trưởng, chương trình, SGK mới mà BộGD-ĐT đang biên soạn có những điểm khác biệt như thế nào đối với chương trình và SGK hiện hành?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điểm khác biệt lớn nhất của chương trình SGK hiện hành so với chương trình SGK mới sẽ thiết kế là cách truyền đạt kiến thức tới học sinh. Nếu như chương trình hiện hành nặng về truyền thụ kiến thức một chiều thì chương trình SGK mới sẽ nhẹ hơn. Những kiến thức có tính hàn lâm, khó hiểu, không gắn với cuộc sống của học sinh, không gắn với nhu cầu hình thành phẩm chất năng lực của người lao động mới thì sẽ được cắt giảm. Chương trình, SGK mới sẽ bổ sung nhiều hoạt động để học sinh trải nghiệm qua các hoạt động thực tế, từng bước hình thành kỹ năng cần thiết.

Khi số lượng môn học ở bậc Tiểu học và một vài lớp đầu của cấp THCS giảm hơn so với hiện nay, chương trình SGK mới sẽ tích hợp các môn học lại. Còn SGK ở bậc THPT sẽ được nghiên cứu dựa trên tổng số lượng các môn học ở bậc THPT vẫn giữ nguyên, nhưng mỗi học sinh có thể lựa chọn một số môn phù hợp với sở thích, năng lực sở trường của các em và nhu cầu nguồn lao động của thị trường. Tất nhiên, có một số lượng môn học nào đó bắt buộc tất cả học sinh đều phải học.

Sẽ lấy ý kiến rộng rãi xã hội về chương trình, SGK mới

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu năm 2018, học sinh sẽ học theo chương trình SGK mới nhưng chương trình mới vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo thì khó có thể đáp ứng được kịp so với yêu cầu đề ra. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu bỏ phiếu tán thành thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Sau khi có Nghị quyết, Bộ GD-ĐTđã chủ động triển khai nhiều công việc liên quan đến chương trình này.

Có thể nói là gần như song song với xây dựng Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo” để trình Quốc hội thảo luận và ra Nghị quyết, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các nhóm chuyên gia để làm hai việc: Một là tổng kết đánh giá những ưu, nhược điểm và hạn chế của chương trình SGK hiện hành. Thứ 2 là nghiên cứu chương trình và SGK của các nước có nền giáo dục phát triển theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã làm việc với các tổ chức quốc tế và nhiều Bộ Giáo dục ở các nước có nền giáo dục phát triển để nghiên cứu cách thức biên soạn chương trình, SGK theo hướng phát huy năng lực của học sinh.

Cho đến nay, Bộ đã có bản dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông. Sau khi có chương trình này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thảo luận, hoàn thiện chương trình tổng thể SGK mới và đến một thời điểm thích hợp sẽ công bố rộng rãi tới toàn xã hội thảo luận, đóng góp ý kiến.

Vì vậy, căn cứ vào các mốc thời gian của Quốc hội, các cơ quan Trung ương cho việc biên soạn chương trình SGK mới, có thể nói, Bộ GD-ĐT đang tích cực đẩy nhanh việc biên soạn.

PV: Chủ trương đổi mới chương trình và SGK lần này là gồm một chương trình nhưng lại có nhiều SGK. Vậy Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo như thế nào về chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia biên soạn SGK cùng với bộ sách do Bộ chủ trì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tập trung vào việc biên soạn nhanh chóng, có chất lượng chương trình SGK mới. Đồng thời với việc đó thì chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan của Bộ soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức biên soạn, thẩm định chương trình, biên soạn, thẩm định SGK. Bên cạnh đó là Bộ cũng ban hành những văn bản để đảm bảo sự khách quan, công bằng trong việc lựa chọn được những bộ SGK tốt nhất phục vụ học sinh trên các vùng, miền khác nhau.

Mục đích của việc làm trên là để huy động được rộng rãi nhất các cá nhân, tổ chức có đủ các điều kiện tham gia biên soạn các bộ SGK khác nhau. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét những chế độ, chính sách nhằm tôn vinh tinh thần cống hiến, sáng tạo của các tập thể và cá nhân tham gia vào việc biên soạn SGK mới.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.

Bích Lan/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *