(kontumtv.vn) – Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý đối với  Sâm củ Ngọc Linh.

Sâm củ Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049, được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đơn vị tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Khu vực địa lý gồm hai xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) và xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Khu vực này thuộc khối núi Ngọc Linh ở độ cao từ 1.800 đến 2.500m. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 14-18 độ C, độ ẩm từ 85-87%.

Đoàn khảo sát vườn giống sâm Ngọc Linh
Đoàn khảo sát vườn giống sâm Ngọc Linh

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất Thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,… Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,…

Do những tính chất đặc biệt nổi trội của cây sâm Ngọc Linh và giá trị kinh tế của loại dược liệu này trên thị trường đang trở nên “nóng bỏng” với giá trị sử dụng được xem là vượt trội hơn so với sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Trước thực trạng khai thác một cách triệt để của người dân, cây sâm đã trở thành cây trong danh mục sách đỏ của Việt Nam từ năm 1994. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển diện tích sâm đang trở nên cấp bách, không chỉ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà còn bảo tồn được nguồn gien quý hiếm của đất nước.

Thời gian qua, 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã tích cực triển khai bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh hiện nay đã dần thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Mô hình trồng sâm trên vùng sinh trưởng tự nhiên và bán tự nhiên cho thấy cây sâm sinh trưởng và phát triển tốt, đầu tư­ ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại tỉnh Kon Tum, tổng diện tích sâm Ngọc Linh bảo tồn và phát triển đạt trên 300 ha. UBND tỉnh Kon Tum đã công bố qui hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh giai đoạn 2012- 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, diện tích quy hoạch có 31.743 ha; diện tích có khả năng trồng sâm Ngọc Linh trong khu vực vùng lõi khoảng 16.998,3 ha (thuộc 03 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp – huyện Đăk Glei và 05 xã: Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi – huyện Tu Mơ Rông). Đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 1.000 ha, với sản lượng ước tính 190 tấn. Đến năm 2025, tỉnh Kon Tum sẽ trồng hết 9.343,6 ha với qui mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800 ha và từng bước trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác; diện tích mở rộng sẽ đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum và tiến tới đa dạng hóa nhiều loại sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của 02 tỉnh sau khi được bảo hộ phải chịu sự quản lý của 02 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh sẽ là sự phối hợp của 02 tỉnh.UBND tỉnh Kon Tum và UBND tỉnh Quảng Nam chủ động phối hợp với Bộ KH&CN, Cục SHTT, các cơ quan Trung ương và các nhà quản lý của 02 địa phương để tìm giải pháp quản lý, mô hình quản lý cho phù hợp điều kiện thực tế của 02 tỉnh.UBND tỉnh Kon Tum và UBND tỉnh Quảng Nam sẽ trao quyền đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho Sở Khoa học và Công nghệ 2 tỉnh. Trên cơ sở đó 2 Sở tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, tiến hành giám sát và kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về chất lượng được nêu trong bản mô tả và tuân thủ các quy định trong quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ được thông qua trong toàn bộ hệ thống các nhà sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh, tiến hành trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho các nhà sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh trong khu vực địa lý; xây dựng hệ thống quảng bá Chỉ dẫn địa lý và thực hiện các giải pháp quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm Sâm. Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum nói: “Để phát huy chỉ dẫn địa lý, trong thời gian tới Sở tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý trên các phương tiên thông tin đại chúng và các hoạt động có tính quảng bá cao nhằm xây dựng, củng cố uy tín, hình ảnh, tên tuổi của sâm Ngọc Linh. Tham mưu thành lập hiệp hội các nhà sản xuất, khai thác chế biên kinh doanh sâm Ngọc Linh nhằm khuyến khích nông dân tham gia vào hiệp hội để làm cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật  vào sản xuất. Tham mưu xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý: Quy chế hoạt động của hiệp hội, hoạt động quản lý của cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý, hoạt động của cơ quan kiểm soát chất lượng sản phảm sâm Ngọc Linh. Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ trong giai đoạn quản lý chỉ dẫn địa lý. Tham mưu Nhà nước có chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án cho hiệp hội để họ chủ động, tự nguyện tham gia vào phát triển chỉ dẫn địa lý. Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần phát huy vai trò trong đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn các hiệp hội, nhà  sản xuất phát triển chỉ dẫn địa lý. Khi chỉ dẫn địa lý được tổ chức khai thác, quản lý có hệ thống, thì mới thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng, các nhà sản xuất kinh doanh sâm Ngọc Linh. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước”.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *