(kontumtv.vn) – Từ đầu năm đến nay, thành phố Kon Tum ghi nhận hơn 140 ca mắc sốt xuất huyết. Đáng chú ý, trên địa bàn đã xuất hiện tổng cộng 75 ổ dịch sốt xuất huyết.

Từ giữa tháng 5 đến những ngày đầu tháng 7, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị sốt xuất huyết ở Ban Nội truyền nhiễm, Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn 10 tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận từ 10 – 15 bệnh nhân sốt xuất huyết, cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Đại úy, Bác sĩ CKI Ngô Quang Lượng,Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn 10 nói: “Cơ bản vào đây là những người trẻ. Người trẻ mặc dù sức đề kháng cao nhưng thường là nằm màn ở buổi ngày là không có thói quen và hai nữa là ở trên khu vực có dịch lưu hành thì thường hay bị xảy ra. Người trẻ chiếm phần đa, từ độ tuổi 20 – 40 và trong quá trình điều trị, sau điều trị ở ngày thứ 5, thứ 7, sức khỏe bệnh nhân hồi phục, hết đau đầu”.

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Thống kê đến thời điểm ghi hình, có trên 40 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú tại Ban Nội truyền nhiễm, Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn 10. Một vài trường hợp trong số đó từng mắc sốt xuất huyết những năm trước đây. Chị Tô Thị Thu Châu (tổ dân phố 5, phường Trường Chinh) nói: “Đau rồi mệt thì đi khám trong tình trạng đau đầu rồi lúc nóng, lúc lạnh rồi xương khớp nhức hết, bắt đầu là đi khám bác sĩ luôn. Bác sĩ bảo ở bệnh viện điều trị bệnh, theo dõi xong mới về nhà được”.

Tỉnh Kon Tum đang bước vào thời kỳ cao điểm mùa mưa. Đây là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue sinh sôi và phát triển. Đại úy, Bác sĩ CKI Ngô Quang Lượng khuyến cáo: “Nếu không có hướng dự phòng tốt ví như phát quang bụi rậm rồi mắc màn vào buổi trưa rồi phun thuốc, cách phòng bệnh thì nguy cơ dịch sẽ bùng phát nhiều hơn”.

Theo dự báo của ngành Y tế tỉnh, năm 2019 dịch sốt xuất huyết có khả năng bùng phát mạnh do chu kỳ 03 năm của dịch. Tại thành phố Kon Tum, 75 ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện và thống kê đến nay, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố cao nhất tỉnh. Qua đó, cho thấy ngành y tế và các địa phương cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết, nhất là nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện phòng, chống dịch.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *