(kontumtv.vn) – Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: Luật Ngân sách sửa đổi phải làm sao tối đa không có cơ chế xin-cho ngân sách.

Nhìn chung các ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá Dự thảo Luật Ngân sách sửa đổi có nhiều điểm tiến bộ hơn so với luật hiện hành.

Luật đã quy định nguồn thu và xác định số bội chi ngân sách nhà nước xác đáng hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Công khai minh bạch hơn vì không chỉ công khai sau khi ngân sách được quyết định giao cho các đơn vị sử dụng mà ngay từ trong quá trình xây dựng dự toán, quá trình thực hiện. Cùng với đó, phân công, phân cấp rõ hơn; xác định rõ thẩm quyền của tổ chức, cá nhân, góp phần củng cố, tăng cường kỷ luật tài chính.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, các đại biểu cũng băn khoăn về nhiều vấn đề.

Có những việc nên giao địa phương làm

Nêu ý kiến về dự thảo Luật Ngân sách sửa đổi, đại biểu Lê Nam, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện nay trong quản lý tài chính ngân sách còn chưa gắn được nguyên tắc chịu trách nhiệm, quản lý đồng tiền không gắn với hiệu quả nên gây ra thất thoát, lãng phí ngân sách rất lớn.

“Quyết toán cuối năm, hết chương trình, dự án hồ sơ đẹp là được. Hồ sơ không bị sai nhưng thực tiễn công việc không hiệu quả, đồng tiền thất thoát, lãng phí. Ví dụ chúng ta quyết toán trồng rừng, nếu đủ thì giờ ta trồng tới Biển Đông rồi! Cái chính là quản lý đồng tiền của chúng ta phải đảm bảo được nguyên tắc trách nhiệm, hiệu quả”, đại biểu nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề phân cấp, đại biểu Lê Nam cho rằng đây cũng là vấn đề cần phải bàn vì qua giám sát thấy có nhiều việc đáng ra Trung ương không nên làm mà nên giao địa phương.

“Có hộ nhận mấy cân phân, thóc giống từ nguồn kinh phí ngành LĐ-TB&XH cũng như từ ngành dân tộc, miền núi. Các nhánh ngân sách đi về như thế, những việc này để cho địa phương làm thì hiệu quả hơn. Hay ví dụ đắp đê thì nên để tỉnh quyết định nên làm đoạn nào thì mới hiệu quả”, đại biểu nêu ý kiến.

Cũng theo đại biểu Lê Nam, làm sao để khoản ngân sách Trung ương phải là máu là thịt của địa phương, đừng tạo tâm lý là cái của đi xin, không gắn bó mà miễn về mình là được.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu)

Nói về trật tự kỷ cương trong quản lý tài chính ngân sách, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng Chính phủ và Bộ Tài chính đã có văn bản hết sức kịp thời về tăng cường kỷ luật tài chính nhưng tình trạng sai phạm trong quảng lý thu chi, chi vượt dự toán vẫn phổ biến, có khoản chi vượt đến hơn 2 lần.

“Tôi đã đề nghị phải thay nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương bằng luật thường niên để tăng cường tính pháp lý, kỷ luật, kỷ cương tài chính. Giờ vẫn đề nghị giữ nghị quyết như thế này thì tôi e khó khăn đối với chính phủ và các bộ ngành chịu trách nhiệm quản lý ngân sách trước Chính phủ, trước Quốc hội”, ông Bùi Đức Thụ bày tỏ.

Tách bạch để hạn chế việc xin-cho

Liên quan đến vấn đề tự chủ ngân sách địa phương, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng khoản chi cân đối nên giao cho HĐND tỉnh quyết định, còn phần bổ sung mục tiêu thì Trung ương mới quyết định và có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng để hạn chế việc xin-cho.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, hiện còn tồn tại là không chỉ có sự lồng ghép ngân sách Nhà nước mà còn lồng ghép quản lý nhà nước. Ngân sách địa phương phải tiếp cận đầu tiên là tài nguyên thu địa phương, tức tài nguyên ngân sách mà địa phương thu được, từ đó xem địa phương này đủ chi nhiệm vụ mà theo luật chính quyền địa phương phải chi không, nếu không đủ mới bàn phần nào ngân sách trung ương hỗ trợ.

Theo đại biểu, ngân sách địa phương là các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phân cấp cho địa phương và các khoản chi được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Xác định như vậy để ngân sách thực hiện trên một địa phương gồm 2 bộ phận rạch ròi: Ngân sách của địa phương xuất phát từ tài nguyên nguồn thu của địa phương do HĐND tự quyết định. Còn hỗ trợ của Trung ương do Quốc hội quyết định và giám sát hiệu quả.

“Hiến pháp không đóng chỗ này sao ta đóng lại, thành ra cái tự chủ không tự chủ, cái không tự chủ lại lồng ghép tự chủ”, đại biểu Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Đại biểu cũng đặt vấn đề: Luật Ngân sách sửa đổi phải làm sao tối đa không có cơ chế xin-cho ngân sách. Và chính việc tách bạch, tránh lồng ghép sẽ giải quyết được bài toán này. Luật phải xác định được phần nào tự chủ địa phương để HĐND quyết chứ Bộ tài chính quyết rồi thì không còn gì để nói.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng ủng hộ địa phương khó khăn là nhà nước bao cấp nhiệm vụ chi, kể cả chi thường xuyên. Tuy nhiên phải rõ ràng, không phải đưa tiền cho địa phương muốn chi thì chi. Chi trên địa bàn gồm 2 phần: Tự chủ địa phương làm cái gì và phần trợ cấp Trung ương làm cái gì?./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *