(kontumtv.vn) – Trong những năm gần đây, công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo trật tự xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, cần các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống mại dâm cũng như quản lý đối tượng nghiện ma túy. Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum có cuộc trao đổi với ông Trịnh Huy Đức, Trưởng Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh.

PV: Thưa ông, trong những năm gần đây, công tác phòng chống tệ nạn xã hội thuộc lĩnh vực ngành quản lý, cụ thể về lĩnh vực phòng chống mại dâm và quản lý cai nghiện và sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào?

Ông Trịnh Huy Đức: Công tác PCTNXH thuộc lĩnh vực quản lý của ngành gồm phòng chống mại dâm, quản lý cai nghiện và sau cai nghiện ma tuý và một lĩnh vực nữa là tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. Về công tác phòng chống mại dâm, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chưong trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020  trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, trong đó phát huy vai trò quản lý của UBND các xã, phường, thị trấn, đội công tác xã hội tình nguyện nơi có các cơ sở kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm hoạt động. Xác định những địa bàn nhạy cảm để có giải pháp quản lý phù hợp. Về công tác quản lý cai nguyện và sau cai nghiện,  Sở đã triển khai phối hợp với các ngành, địa phương triển khai rà soát, thống kê quản lý chặt chẽ các  đối tượng nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh nhằm làm tốt công tác quản lý cai nghiện và sau cai nghiện, với các hình thức cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện tại gia đình theo đề án về đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ; triển khai công tác hỗ trợ học nghề, vay vốn tạo việc làm cho đối tượng có nhu cầu.

Ông Trịnh Huy Đức trả lời phỏng vấn của PV
Ông Trịnh Huy Đức trả lời phỏng vấn của PV

PV: Với những nỗ lực triển khai các hoạt động phòng, chống thì tình hình mại dâm cũng như quản lý cai nghiện và sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào? Ông có thể cho biết trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này ngành gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

Ông Trịnh Huy Đức: Trong quá trình thực hiện phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh cũng gặp các khó khăn, vướng mắc, nhất là tình hình mại dâm hiện nay còn nhiều biểu hiện tương đối phức tạp, những thủ đoạn hoạt động kín đáo, tinh vi, tổ chức nhỏ nhưng ở diện rộng. Hoạt động mại dâm rất đa dạng với nhiều hình thức biến tướng và sử dựng các thủ đoạn tinh vi, trá hình ở cơ sở kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm. Khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý cai nghiện và sau cai nghiên là nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chuyên môn, nghiệp vụ. Cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy và quản lý giúp đỡ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng ở cơ sở chưa có chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản nên việc quản lý, nắm bắt tình hình chưa sát.

PV: Trong thời gian tới ngành sẽ làm gì để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc lĩnh vực ngành quản lý, thưa ông?

Ông Trịnh Huy Đức: Trong thời gian tới, về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là về công tác phòng chống mại dâm thì tiếp tục tập huấn triển khai các qui định pháp luật về phòng chống mại dâm cho đội ngũ công chức làm công tác PCTNXH tại các địa phương, phổ biến các qui định của pháp luật về phòng chống mại dâm đến các cơ sở kinh doanh dễ bị lợi dụng mại dâm; phối hợp với các cơ quan, công an kiểm tra triệt phá các tụ điểm hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm. Rà soát, thống kê đối tượng mua, bán dâm trên địa bàn đã xử lý hành chính để đưa vào quản lý, tư vấn hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định cho đối tượng sớm hoàn lương. Về quản lý cai nghiện và sau cai nghiện, thời gian tới phối hợp với các ngành liên quan đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc  khi có quyết định của toà án. Đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình có người nghiện đi cai nghiện tự nguyện tại trung tâm ở Gia Lai khi gia đình có nhu cầu; phối hợp với ngành Y tế cấp thuốc thay thế cho người nghiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, truy quét, triệt phá các tụ điểm nóng về mại dâm, ma túy. Đồng thời lập hồ sơ lưu trữ các đối tượng mại dâm, quản lý cai nghiện và sau cai nghiện trở về.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *