(kontumtv.vn) – Những ngày này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận gần 800 lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú, giảm hẳn so với trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát giai đoạn 2 tại Việt Nam. Dù vậy, Bệnh viện vẫn là địa điểm có đông người qua lại, đến khám và điều trị. Do đó, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn y tế, hạn chế lây chéo trong Bệnh viện được đơn vị hết sức chú trọng, thậm chí nhiều quy định về thăm nuôi bệnh nhân cũng được siết chặt hơn trước. Để hiểu rõ hơn về điều này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Chuyên khoa II Lê Vũ Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, việc siết chặt công tác khám, chữa bệnh đã được đẩy mạnh như thế nào?
Bác sĩ CKII Lê Vũ Thức: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong cả nước thì Bệnh viện đã đẩy mạnh công tác đầu tiên là phân luồng cách ly, phân luồng những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Sars CoV-2 đi vào những phòng khám riêng và có những khu cách ly tạm thời. Nếu trường hợp những ca này có triệu chứng kèm theo các yếu tố dịch tễ thì sẽ được Bệnh viện liên hệ Bệnh viện Y học cổ truyền để chuyển cho Bệnh viện Y học cổ truyền. Bệnh viện có những quy định hạn chế số người vào ra trong Bệnh viện thời gian qua.
PV: Vâng, thưa bác sĩ, như chúng ta được đọc thông tin trên báo chí thì Bệnh viện Bạch Mai hiện nay là ổ dịch diễn biến hết sức phức tạp về Covid-19 tại Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ thực tế này, đối với tỉnh Kon Tum cũng như với Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì những quy định về hạn chế thăm nuôi được tập trung triển khai ra sao để hạn chế sự lây nhiễm chéo trong Bệnh viện?
Bác sĩ CKII Lê Vũ Thức: Trong tuần vừa qua thì Bệnh viện đã bắt đầu thực hiện quy định là mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người ở lại chăm sóc. Và Bệnh viện thì đang hạn chế ở mức thấp nhất số lượng người đi vào thăm bệnh nhân. Mỗi người chăm sóc bệnh nhân thì được Bệnh viện phát cho 1 cái thẻ và cái thẻ này để tiện cho lực lượng bảo vệ cũng như nhân viên của các khoa phòng quản lý người nhà bệnh nhân này. Và những người ở lại chăm sóc bệnh thì phải đăng ký với các khoa, phòng, có số điện thoại liên lạc. Tiến tới trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiến hành thực hiện khai báo y tế đối với người chăm sóc bệnh nhân. Và có lẽ trong thời gian tới thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Y tế thì Bệnh viện sẽ triển khai vấn đề lập những bàn ở cổng vào Bệnh viện để đo thân nhiệt tất cả mọi người vào Bệnh viện để phân luồng cho kịp thời.
PV: Thưa bác sĩ, nhân đây xin bác sĩ nói cụ thể hơn về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong Bệnh viện để hạn chế sự lây nhiễm chéo?
Bác sĩ CKII Lê Vũ Thức: Thứ nhất là triển khai đẩy mạnh hơn lấy số thứ tự qua điện thoại, qua mạng để tránh tập trung khu vực chờ khám bệnh. Còn đối với những bệnh nhân bị bệnh mãn tính thì Bệnh viện thực hiện tùy theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân có thể cấp thuốc cho bệnh nhân dài hơn theo quy định của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam để hạn chế lượt bệnh nhân tới khám nội trú. Còn những bệnh nhân điều trị nội trú khi tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định thì khuyến khích các khoa phòng cho đơn cho bệnh nhân về để giảm số lượng bệnh nhân nằm lại điều trị trong Bệnh viện. Về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn là công tác rất được Bệnh viện chú trọng và cũng là công tác rất khó khăn để thực hiện. Bệnh viện đã thực hiện tăng cường công tác giám sát nhân viên y tế tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Bệnh viện đã đặt những dung dịch sát khuẩn, rửa tay nhanh tại nhiều vị trí để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sử dụng được. Về những nơi tập trung đông người như khu khám bệnh, khu cấp cứu, Bệnh viện đã có lịch khử khuẩn vào cuối giờ một số ngày trong tuần. Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, Bệnh viện đã cố gắng cung cấp những phương tiện phòng hộ cá nhân để nhân viên y tế an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
PV: Thưa bác sĩ, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, có thể nói rằng đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế là tuyến đầu, là những chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch. Không những rất vất vả và gặp nhiều khó khăn thì như đối với tỉnh Kon Tum, ngành Y tế cũng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh có những động viên, khuyến khích, quan tâm như thế nào để hỗ trợ kịp thời những cán bộ, nhân viên y tế trong công tác phòng, chống dịch?
Bác sĩ CKII Lê Vũ Thức: Ở các khoa, phòng trọng điểm có thể có khả năng nghi ngờ mắc Covid-19 này cũng như những đội đáp ứng nhanh của Bệnh viện thì Bệnh viện đã thực hiện tiêm phòng cúm mùa cho các nhân viên y tế này. Trong thời điểm dịch này cũng rất khó tập trung đông người để trao đổi nguyện vọng thì Ban Giám đốc Bệnh viện đã gặp gỡ trưởng các khoa có liên quan và các thành viên trong đội đáp ứng nhanh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các nhân viên y tế này để Bệnh viện có thể đáp ứng được 1 phần nhu cầu trong công tác phòng hộ và cũng chia sẻ, động viên. Với tư cách là 1 nhân viên y tế, bản thân tôi cũng giống như các nhân viên y tế khác cũng mong rằng tất cả mọi người, cả cộng đồng cùng chung tay góp sức thì công cuộc này mới thành công được.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ CKII Lê Vũ Thức. Nhân đây cũng xin chúc bác sĩ cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh dồi dào sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thu Trang – Đức Thắng