(kontumtv.vn) – Với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thân thiện, minh bạch và phục vụ nhân dân, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp, thu thập, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân là xu thế tất yếu. Đây là mục đích tỉnh Kon Tum hướng đến.

Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Kon Tum đã có tổng số 28 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, UBND tỉnh cung cấp 10 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tại địa chỉ http://dichvucong.kontum.gov.vn và được tích hợp lên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 sẽ giúp cho các tổ chức, cá nhân thuận lợi như có thể đăng ký, gửi hồ sơ và nhận hồ sơ qua mạng thông tin điện tử. Tuy nhiên, mức độ tham  giao dịch của người dân qua kênh  này còn hạn chế. Tâm lý e ngại và sự hạn chế về công nghệ thông tin là rào cản lớn khiến người dân ít sử dụng loại hình giao dịch bằng công nghệ thông tin với chính quyền. Chị Đinh Thị Thanh Phượng (xã Ngọc Bay thành phố Kon Tum) nói: “Mình gửi qua hòm thư điện tử không biết có chắc chắn hay không, cũng như người dân thôi, họ lên trực tiếp bộ phận tiếp nhận hồ sơ của xã để được hướng dẫn thì sẽ chắc chắn hơn”.

Hướng dẫn người dân tham gia giao dịch trên cổng thông tin điện tử
Hướng dẫn người dân tham gia giao dịch trên cổng thông tin điện tử

“Thói quen của người dân trong sử dụng dịch vụ này chưa được hình thành đầy đủ. Kỹ năng của người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ CNTT để giao tiếp với chính quyền. về phía cơ quan quản lý nhà nước đã tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết, nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn”. Ông Trần Văn Thu, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Kon Tum cho biết.

Một trong những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giao dịch và giao tiếp giữa người dân với các cơ quan chính quyền thông qua công nghệ thông tin đã được tỉnh Kon Tum triển khai vào cuối năm 2017 đó là hướng đến ban hành quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum. Với kênh thông tin này, người dân có quyền phản ánh, kiến nghị những nội dung như sự chậm trễ, gây phiền hà của cán bộ, công chức, góp ý về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, đồng thời có thể đề xuất những giải pháp, sáng kiến với chính quyền. Ông Nguyễn Hiệp, Phụ trách Kỹ thuật Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kon Tum nói: “Trong thời gian tới, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật để UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đề nghị các trang web các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cải thiện giao diện tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước nhằm góp phần giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân nhanh hơn, tiết kiệm hơn”.

Để cụ thể hóa việc tăng cường giao tiếp, tương tác giữa chính quyền với người dân bằng công nghệ thông tin, văn phòng UBND tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ quản trị địa phương, trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Kon Tum do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ (RALG Kon Tum) để triển khai một số hoạt động. Cụ thể, hai bên cùng tổ chức các hội thảo, phối hợp nâng cấp các giao diện, phần mềm trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Ông Lê Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ, Giám đốc BQL Dự án RALG Kon Tum cho biết: “Việc phối hợp với cổng thông tin điện tử, Văn phòng UBND tỉnh xây dựng hệ thống tiếp nhận ý kiến của người dân trên cổng thông tin điện tử thông qua việc ứng dụng CNTT mong muốn tạo điều kiện cho người dân dễ truy cập từ máy tính và các thiết bị di động được kết nối internet để người dân gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh của mình”.

Việc quảng bá, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin để giao tiếp, giao dịch với chính quyền cũng được Văn phòng UBND tỉnh và Ban Quản lý Dự án RALG Kon Tum chú trọng. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên gia kỹ thuật trong nước, Ban Quản lý Dự án nói: “Hiện nay chúng ta đã có các hình thức để tiếp cận ý kiến của người dân, truyền thông chúng ta đã làm. Tuy nhiên chúng ta có thể truyền thông mạnh hơn nữa để người dân biết được để thu thập ý kiến của người dân, qua đó chúng ta có thể thu thập được những sáng kiến, những giải pháp của người dân giúp chúng ta thực hiện công tác cải cách hành chính hiệu quả, đạt được sự hài lòng của người dân tốt hơn”.

 Việc ứng dụng công nghệ thông tin từ bước tiếp nhận kiến nghị, phản ảnh của người dân đến khi phân tích và trả lời ý kiến bằng các giao diện đơn giản trên môi trường mạng internet sẽ giúp cho công tác phân tích trả lời, báo cáo nhanh nhất. Đây cũng là hoạt động góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Kon Tum, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, thân thiện với người dân.

                                                          Văn Hiển – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *