(kontumtv.vn) – “Cần tập trung các nguồn lực, thực hiện tốt những nhiệm vụ mục tiêu đã đề ra trong công tác bảo vệ phát triển rừng”.
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020, diễn ra chiều 9/4 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc.
Năm 2014, cả nước đã hoàn thành và vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, giảm số vụ vi phạm luật quản lý bảo vệ rừng 6% so với năm trước, trồng rừng tập trung được hơn 220.000 ha, giá trị sản phẩm lâm sản xuất khẩu đạt hơn 6,5 tỷ USD.
Tuy vậy, những khó khăn tồn tại trong công tác bảo vệ phát triển rừng vẫn rất nóng, đó là tình trạng vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, việc trồng rừng thay thế tại các dự án đã sử dụng đất rừng chưa đạt yêu cầu, cháy rừng vẫn ra với mức độ thiệt hại nghiêm trọng…
Tại Tây Nguyên, theo kiểm kê mới đây, diện tích rừng đã giảm gần 360.000 ha so với kết quả rà soát năm 2008. Nguyên nhân chủ yếu là do chuyển đổi rừng để thực hiện các dự án trồng cao su, trồng cây công nghiệp, và xây dựng các công trình thủy điện thủy lợi, giao thông…, sai sót lớn trong việc điều tra rừng hàng năm, và có tới 1/4 số rừng bị phá để lấy đất canh tác (tương đương với gần 90.000 ha).
Bên cạnh hoạt động yếu kém của các cơ quan đơn vị quản lý bảo vệ rừng, áp lực lớn từ dân di cư tự do, còn có lý do suy thoái đạo đức trong đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng.
Từ thực tế địa phương 2 năm qua đã truy tố xét xử một loạt vụ buôn bán đất rừng, ông Nguyễn Đức Luyện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc nông, nói: “Tôi nghĩ nguyên nhân thứ nhất cần phải xử lý đó là công tác tổ chức cán bộ. Những vụ phá rừng trước đây không xử lý được bởi vì cán bộ có nhận đất nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh phá rừng để mua lại, đặc biệt là lạm dụng Nghị định 135 của Chính phủ, sang nhượng lung tung hết, do đó không xử lý được, giao công an cũng bó tay, thậm chí trong công an cũng có.”
Góp ý cho những giải pháp bảo vệ phát triển rừng trong thời gian tới, ông Đào Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp sắp tới, các bộ ngành cần cân nhắc không nên thành lập doanh nghiệp công ích trong bảo vệ rừng, mà cần cụ thể hơn.
“Chúng ta thành lập đơn vị sự nghiệp có thu, thu từ dịch vụ môi trường rồi thiếu thì cân đối giao kế hoạch bảo vệ phát triển sẽ tốt hơn, do đó, việc gì chúng ta lại chuyển thành doanh nghiệp công ích? Và nếu cần thiết thì chúng ta chuyển thành Ban quản lý rừng để thực hiện tốt hơn; gọn nhẹ thôi, mục đích của chúng ta là môi trường chứ có phải kinh doanh đâu? Kiểm tra lại tất cả các công ty lâm nghiệp xem họ nộp được bao nhiêu vào ngân sách khi khai thác gỗ? Hiệu quả môi trường với hiệu quả kinh tế, chúng ta so sánh để chọn lựa xác định được mô hình của doanh nghiệp đó.”, ông Đào Xuân Liên nói.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh hơn các đối tượng vi phạm luật bảo vể rừng để nâng cao tính răn đe giáo dục, các địa phương cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền để cả cán bộ và người dân ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng những sản phẩm từ rừng, trồng và bảo vệ rừng.
Ông Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước về lĩnh vực này, nêu ý kiến: “Tôi đề nghị là nên có giải pháp về tăng cường thông tin tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí lớn, cũng tăng cường các chuyên mục tiết mục nói về công tác trồng rừng, rồi phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng như thế nào… Đặc biệt cũng đề nghị các đơn vị chức năng nên chủ động thông tin, ví dụ như nói về chuyện trồng cây mắc-ca, quan trọng nhất là người có trách nhiệm phải hướng dẫn và nói cho người dân là trồng như thế nào, cây này có nên trồng và trồng mức độ ra sao.”
Chỉ đạo kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nhấn mạnh, Chính phủ kiên quyết tiếp tục không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên, nguồn vốn dành cho trồng rừng bắt buộc phải thực hiện chứ không được chuyển sang mục đích khác. Năm qua các các ngành địa phương đã nỗ lực thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu bảo vệ phát triển rừng, thì thời gian tới càng phải tập trung nguồn lực để làm tốt hơn nữa.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Vai trò của rừng đối với việc phát triển bền vững ngày càng khẳng định hơn, chính vì vậy mà chúng ta phải quan tâm và đầu tư nhiều hơn, và phải nghiên cứu ra nhiều mô hình phát triển để đảm bảo cho nó bền vững hơn. Mặc dù chúng ta còn vô vàn khó khăn, nhưng chúng ta đều phải hiểu là khi mà không ưu tiên cho mục tiêu phát triển bền vững đấy thì thực tế chúng ta đang phải trả giá cho nó, đấy là cái giá của tương lai. Các đồng chí cũng thống nhất với các giải pháp đã nêu ra ở đây, thì tôi đề nghị trước hết là chúng ta phải tập trung hoàn thành kế hoạch năm 2015. Quý 1 chúng ta đã thực hiện tương đối tốt, bây giờ kiểm điểm lại là phải ưu tiên bố trí vốn cho các mục tiêu này. Trồng rừng tập trung, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, trồng cây phân tán, rồi là giao khoán bảo vệ rừng… những mục tiêu của năm 2015 mà giao cho từng địa phương và cả nước thì chúng ta phải phấn đấu để đạt được.”./.