(kontumtv.vn) – Hiện nay, tuy chưa phải thời kỳ cao điểm của mùa khô, nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn thành phố Kon Tum đang đứng trước nguy cơ thiếu nước, thậm chí một số diện tích đã bị khô hạn.

Xã Đoàn Kết là vựa lúa của thành phố và tỉnh Kon Tum. Trong vụ đông xuân năm nay bà con đã xuống giống gieo cấy 240 ha lúa nước. Tuy địa bàn có 3 đập chứa nước gồm Cà Tiên, Tân Điền, Đăk Tía phục vụ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhưng đến thời điểm này các hồ đập đều trong tình trạng khô cạn, trơ đáy, gần 70 ha lúa đang có nguy cơ bị hạn. Để cứu lúa, người dân đã chủ động khoan giếng, góp tiền mua ống, đặt 2 máy bơm chuyền lấy nước từ sông Đăk Bla lên các chân ruộng. Ông Phan Văn Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết nói: “Chính quyền địa phương, chủ động phối hợp chỉ đạo giữa Hợp tác xã, Trạm thủy lợi có sự thống nhất bơm chống hạn từ 15 tháng giêng để bơm tới phục vụ cho các vùng xa khó lấy nước khoảng 50 ha cho 3 vùng. Mùa khô năm nay 4 tháng rồi mà vẫn chưa có cơn mưa nào. Từ nay trở đi khoảng 10 đến 15 ngày nữa thì sẽ có một số diện tích khoảng vài chục hecta bị hạn. Vì lượng nước lòng hồ Tân Điền, Cà Tiên bị cạn kiệt rồi, nước sông bơm lên cũng không đảm bảo, rất khó khăn tình hình hạn hán hiện nay”.

Nhiều diện tích lúa đang bị khô hạn
Nhiều diện tích lúa đang bị khô hạn

Là địa phương có diện tích sản xuất lúa nước không nhiều so với các xã khác, xã Chư Hreng có khoảng 60 ha nhưng đến thời điểm hiện nay gần 3 ha lúa đã bị khô cháy, 5 ha đang bị khô hạn. Mặc dù bà con đã tận dụng nguồn nước từ lòng hồ, mua máy bơm, ống nước kéo điện để đưa nước vào ruộng nhưng lượng nước quá ít nên khả năng diện tích khô hạn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ông Hoàng Văn Lực, Tổ trưởng hợp tác điều tiết nước, xã Chư Hreng cho biết: “Nếu không có lòng hồ thì không có nước cho người ta tưới tiêu khu vực này được khoảng 4 ha. Đến nay tôi triển khai vét lòng hồ rồi nhưng không đáng kể. Hiện tại người dân đang huy động máy bơm điện, máy bơm dầu. Nhưng khả năng nắng kéo dài thì không có lượng nước để dân bơm”.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Kon Tum, tổng diện tích lúa bị khô hạn gần 82 ha và hàng trăm ha cây trồng khác đang có khả năng bị hạn. Nếu trong những ngày tới vẫn không có mưa, diện tích khô hạn sẽ tiếp tục tăng. Do đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, các phòng ban chuyên môn thành phố còn chủ động tham mưu các giải pháp chống hạn, giúp bà con yên tâm sản xuất. Ông Phan Thanh Nam, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: “Đối với diện tích có nguy cơ bị hạn thuộc các công trình thủy lợi, chúng tôi phối hợp với Ban Quản lý các công trình thủy lợi của tỉnh triển khai các biện pháp tưới điều tiết nước, tiết kiệm nước. Đối với diện tích nằm ngoài vùng tưới các công trình thủy lợi thì vận động nhân dân sử dụng các trang thiết bị sẵn có như máy bơm để tham gia phòng chống hạn. Về diện tích bị hạn chúng tôi thống kê, đảm bảo đầy đủ hồ sơ thủ tục để hỗ trợ đảm bảo theo quy định”.

Với sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương và bà con nông dân trong công tác phòng, chống hạn, hy vọng sẽ đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và đời sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *