(kontumtv.vn) – Lao là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong chẩn đoán, phát hiện ca bệnh mới. Tại tỉnh Kon Tum, công tác phòng, chống bệnh lao thời gian qua được ngành Y tế tích cực triển khai và đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum.

PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết thực trạng về bệnh lao ở tỉnh Kon Tum hiện nay?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ bệnh lao các thể mắc hàng năm trên địa bàn tỉnh là 70 người/100.000 dân. Ở Kon Tum, ước khoảng 350 – 400 người mắc lao trên một năm. So với toàn quốc, Kon Tum vẫn còn đang thấp. Toàn quốc thì 110 người/100.000 người dân. Mặc dù hoạt động phòng, chống lao tỉnh đã đạt được nhiều thành quả nhất định, tuy nhiên việc kiểm soát, phát hiện và điều trị bệnh nhân ở cộng đồng cũng còn khó khăn. Vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân lao đang còn mắc tiềm ẩn ở cộng đồng và ước tính tỷ lệ này khoảng 25%.

Bác sĩ CKI trả lời phỏng vấn của PV
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân trả lời phỏng vấn của PV

PV: Những năm gần đây, việc kiểm soát, phát hiện và chữa trị bệnh lao trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Hiện nay, hoạt động phòng chống lao trên địa bàn tỉnh đã bao phủ đến 100% xã, phường, thị trấn. Mạng lưới phòng chống lao đã được triển khai từ tỉnh tới huyện, xã, nhìn chung rất ổn định và hiệu quả. 100% cán bộ y tế thuộc mạng lưới phòng chống lao đều bắt buộc phải qua các lớp đào tạo, tập huấn về quản lý chương trình. Khi bị mắc bệnh lao có các triệu chứng như ho, khạc đờm kéo dài, gầy sút cân, sốt nhẹ về buổi chiều và tối, ra mồ hôi trộm ban đêm…, đó là nhưng dấu hiệu. khi phát hiện được như vậy, hầu hết nhân viên y tế thôn, cán bộ y tế xã tư vấn cho bệnh nhân đến các cơ sở như trung tâm y tế các huyện, thành phố hoặc phòng khám lao tuyến tỉnh để được xét nghiệm, chụp phim để chẩn đoán, điều trị. Hiện nay bệnh lao đang được điều trị hoàn toàn miễn phí.

PV: Để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này, tránh lây lan ra cộng đồng, cần tiến hành các giải pháp cụ thể ra sao?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Biện pháp dự phòng quan trọng nhất vẫn là cắt đứt nguồn lây, có nghĩa là phát hiện sớm những người có lao phổi và điều trị khỏi cho họ. Đối với bệnh nhân lao, nên cách ly với người thân ngay từ khi phát hiện mắc bệnh, thời gian cách ly tối thiểu là 02 tuần, tính từ khi dùng thuốc chống lao theo phác đồ. Người nhà hoặc người có tiếp xúc với bệnh nhân lao nên đi khám định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh lao. Khuyến cáo mọi người nên giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát; giữ gìn sức khoẻ và nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tới chỗ đông người. Các bà mẹ khi sinh con nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin BCG lúc trẻ dưới 01 tháng.

PV: Cám ơn bác sĩ vì cuộc trao đổi !

Thu Trang – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *