Thông điệp Việt Nam từ IPU 132: Hòa bình, ổn định, phát triển bền vững
02.04.2015(kontumtv.vn) – Chủ nhà Việt Nam mong muốn các nghị viện, nghị sĩ chung sức thực hiện Tuyên bố Hà Nội với tinh thần “biến lời nói thành hành động”.
Sau 36 năm tham gia Liên minh Nghị viện Thế giới IPU, lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước chủ nhà để đón tiếp những nhà lập pháp và cũng là những người đại diện cho nhân dân ở khắp các châu lục trên thế giới.
Kết thúc chương trình nghị sự dày đặc của IPU 132 với rất nhiều nội dung thảo luận, Việt Nam đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về hòa bình và ổn định, coi đây là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững.
“Các mục tiêu phát triển bền vững- biến lời nói thành hành động” – chủ đề do Việt Nam đề xuất đã trở thành nội dung chính trong rất nhiều phiên họp của IPU 132.
Cảm ơn Việt Nam vì đã chọn đúng vấn đề mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm, các nhà lãnh đạo Nghị viện và Quốc hội IPU thống nhất cho rằng: Thế giới sẽ không thể thịnh vượng nếu không giải quyết được những thách thức như: đói nghèo, gia tăng dân số, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, đa dạng sinh thái bị đe dọa…
Bản Tuyên bố Hà Nội và nhiều văn kiện khác được thông qua tại IPU 132 đã khẳng định vai trò của IPU không chỉ là diễn đàn hợp tác nghị viện đa phương lớn nhất thế giới, mà còn đóng góp vào hành trình cùng Liên Hợp quốc xây dựng Chương trình nghị sự Vì phát triển bền vững trên toàn cầu sau năm 2015.
Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững thì phải có hòa bình, ổn định. Đây cũng chính là thông điệp mà Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh trước những người đứng đầu Nghị viện và Quốc hội trên toàn thế giới.
Chúng ta không thể phát triển bền vững nếu như đâu đó trên thế giới vẫn đang tồn tại nguy cơ về xung đột vũ trang; tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp đối với các vùng biển, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố; sự bất ổn hay chiến tranh bắt nguồn từ môi trường mạng…
Muốn có hòa bình, ổn định thì nhất thiết phải xây dựng lòng tin chiến lược. Tại diễn đàn Nghị viện đa phương lần này, trong bài phát biểu chào mừng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, diễn văn chiêu đãi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay bài phát biểu tại phiên khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thông điệp về “Lòng tin chiến lược” đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, coi đây là nền tảng nhận thức cơ bản để thúc đẩy các cơ chế hợp tác, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp và các cam kết quốc tế; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Đặc biệt, các nước lớn cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, tôn trọng các lợi ích chính đáng của các nước khác.
Hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đối với Việt Nam, cụm từ này vang lên tại IPU 132 với tất cả sự trân trọng bởi lẽ, thời điểm diễn ra IPU 132 cũng là lúc mà 90 triệu người dân Việt Nam đang hướng đến lễ kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh – kết thúc những đau thương mất mát để tập trung xây dựng đất nước.
Và cũng chính tại IPU 132 lần này, bạn bè quốc tế không chỉ chia sẻ với Việt Nam khát khao hòa bình mà còn thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Việt Nam, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá đã vươn lên mạnh mẽ qua 30 năm đổi mới.
Rất nhiều nước đã ca ngợi Việt Nam là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục hay bình đẳng giới.
Khép lại những phiên họp sôi nổi, khép lại các cuộc tiếp xúc song phương dồn dập bên lề IPU 132, bạn bè thế giới cảm nhận được tính nhất quán trong chính sách ngoại giao hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Việt Nam; tính tích cực và chủ động trong hội nhập quốc tế.
Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Còn với nước chủ nhà Việt Nam, không có mong muốn nào hơn là các nghị viện và các nghị sĩ cùng chung sức thực hiện hiệu quả Tuyên bố của IPU tại Hà Nội với tinh thần “biến lời nói thành hành động” để gìn giữ hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững./.