(kontumtv.vn) – Tiếp tục các hoạt động trong chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum, sáng ngày 6/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đến thăm huyện Sa Thầy.
Thủ tướng nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Huyện Sa Thầy nằm ở phía Tây Nam tỉnh Kon Tum, cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 30km; diện tích tự nhiên trên 241.535 ha; dân số gần 48.700 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57%.

Trên địa bàn huyện có 2 con sông chính là Sa Thầy và Sê San chảy qua và đây là nguồn cung cấp nước chính cho sinh hoạt và sản xuất; khoáng sản tại địa bàn chủ yếu là kim loại sắt, đá granite và vật liệu xây dựng thông thường.

Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum (chiều ngày 5/1), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã nghe lãnh đạo tỉnh Kon Tum báo cáo Đề án chia tách huyện Sa Thầy để thành lập huyện mới và định hướng phát triển kinh tế-xã hội huyện mới Nam Sa Thầy đến năm 2030.

Theo Đề án, khu vực phía Nam huyện Sa Thầy với đặc điểm là địa bàn biên giới, có diện tích rộng, giao thông đi lại rất khó khăn, thông tin liên lạc còn hạn chế; tiềm năng, lợi thế đã được xác định và đang từng bước khai thác, đặt ra yêu cầu phải tăng cường quản lý địa bàn. Do đó, việc điều chỉnh điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy thành lập huyện mới (huyện Nam Sa Thầy) là cần thiết để quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

Thủ tướng xem bản đồ địa giới 3 xã mới của huyện Sa Thầy. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Huyện mới Nam Sa Thầy được thành lập trên cơ sở điều chỉnh 98.013,22 ha diện tích tự nhiên và 11.567 nhân khẩu của huyện Sa Thầy, bao gồm 3 xã là Ia Dom, Ia Dal, Ia Tơi với 9 thôn. Như vậy huyện Sa Thầy sau khi điều chỉnh địa giới hành chính còn trên 143.522 ha diện tích tự nhiên, hơn 42.100 nhân khẩu, bao gồm 11 xã, thị trấn.

Theo Đề án, mục tiêu chung xây dựng huyện Nam Sa Thầy bao gồm việc xây dựng huyện Nam Sa Thầy thành huyện kiểu mẫu vùng biên giới kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng-an ninh; hình thành và phát triển các khu kinh tế quốc phòng làm nền tảng phát triển bền vững của huyện, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của tỉnh Kon Tum. Đồng thời hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp (cao su) gắn với chế biến, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, lâm sản và hệ  thống kinh doanh dịch vụ. Phát triển kinh tế cửa khẩu trên sơ sở hợp tác chặt chẽ với các địa phương của nước bạn Campuchia để thông thương, trao đổi, giao lưu hàng hóa.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các nội dung liên quan đến Đề án như: Sự cần thiết chia tách, phương án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy, thành lập huyện mới Nam Sa Thầy; định hướng phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh huyện Nam Sa Thầy đến năm 2030; đề nghị lãnh đạo tỉnh Kon Tum tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chức năng để bổ sung, sớm hoàn thiện Đề án.

Thủ tướng tặng quà bà con dân tộc xã Mô Rai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại huyện Sa Thầy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới tới thăm hỏi, động viên nhân dân xã biên giới Mô Rai và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn xã.

Xã Mô Rai là một xã biên giới miền núi với đường biên giới giáp Campuchia dài gần 100km; xã có 16 thôn, làng; thôn xa nhất cách trung tâm xã khoảng 70km; nằm ở vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của huyện Sa Thầy và của tỉnh Kon Tum. Tổng dân số của xã là gần 10.100 nhân khẩu với 7 thành phần dân tộc chính.

Về công tác an ninh quốc phòng, trên địa bàn xã có 6 đồn biên phòng, là lực lượng chuyên trách trong bảo vệ tuyến biên giới của xã Mô Rai. Phát huy truyền thống cách mạng, Trung đội dân quân thường trực của xã luôn tổ chức tốt công tác huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu; phối hợp tốt với các đồn biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới, ngăn chặn vượt biên, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Trên địa bàn xã hiện có 11 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó có 8 doanh nghiệp trồng cao su, 1 công ty khai thác khoáng sản, 1 công ty chế biến lâm sản và 1 công ty khai thác vật liệu xây dựng thông thường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Mô Rai và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn đạt được trong thực hiện hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn, một xã có diện tích lớn nhất thuộc huyện Sa Thầy.

Thủ tướng và các già làng, trưởng bản xã Mô Rai. Ảnh: vGP/Nhật Bắc

Nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đảm quốc phòng an ninh có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với xã Mô Rai nói riêng và huyện Sa Thầy nói chung, Thủ  tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền xã Mô Rai, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn xã tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu nhiều hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, nâng  cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trên địa bàn cũng như không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị với Campuchia; chủ động đấu tranh trấn áp tội phạm ở khu vực biên giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chủ trương là sẽ điều chỉnh địa giới hành chính chia tách huyện Sa Thầy để thành lập thêm huyện mới (huyện Nam Sa Thầy), thực hiện chủ trương này, xã Mô Rai được điều chỉnh địa giới, chia tách làm 4 xã (Mô Rai, Ia Dom, Ia Tơi và Ia Dal). Vì vậy, Thủ  tướng đề nghị huyện Sa Thầy cũng như tỉnh Kom Tum tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, bố trí lại dân cư, bố trí đất ở và đất sản xuất cho đồng bào, kế hoạch phát triển diện tích cây công nghiệp… sau khi chia tách xã Mô Rai, đảm bảo cho yêu cầu phát triển bền vững, hiệu quả cũng như đảm bảo tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng, giảm nghèo, bảo vệ rừng trên địa bàn sau chia tách.

Nhân dịp năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tặng quà đồng bào xã Mô Rai, các đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã.

Thủ tướng thăm hỏi các chiến sỹ lực lượng vũ trang tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng trong sáng nay, tới dự Lễ công bố Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ về việc thành lập 3 xã mới và ra mắt bộ máy lâm thời của 3 xã Ia Dom, Ia Tơi và Ia Dal tại huyện Sa Thầy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn 3 xã mới thành lập bắt tay ngay vào công việc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó trước hết là phải làm tốt công tác quy hoạch, bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn, gắn với bố trí dân cư, giao đất cho nhân dân sản xuất, quy hoạch diện tích trồng cây công nghiệp, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân./.

Theo : Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc/chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *