(kontumtv.vn) – Những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ, giải quyết chế độ, chính sách cho người bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam luôn được các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh Kon Tum quan tâm thực hiện.

Năm 2017, toàn tỉnh có 1.117 người được hưởng chế độ trợ cấp chất độc da cam hàng tháng. Trong đó, khoảng 840 người từng hoạt động kháng chiến và hơn 250 nạn nhân là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chế độ trợ cấp hàng tháng là nguồn động viên giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Ông Võ Phi (Hùng tổ 2, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) nói: “Được hưởng chế độ là một điều an ủi đối với bản thân, đồng thời mình cũng cố gắng vươn lên, làm thế nào cuộc sống ổn định hơn. Nhà nước quan tâm đến bản thân tôi, con cái tôi thì thấy đó là điều rất là vinh hạnh”.

Thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam
Thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam

Dù vậy, hiện nay toàn tỉnh còn hơn 5.000 người bị nghi phơi nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định Nhà nước. Nguyên nhân vì khi hòa bình lập lại, những người tham gia hoạt động kháng chiến bị mất hoặc thất lạc các giấy tờ cần thiết nên không đủ điều kiện tiến hành giám định y khoa để được công nhận là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Đỗ Tiến Thắng (tổ 3, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) nói: “Tham gia chiến trường thì một số giấy tờ bị mất, kể cả những giấy tờ nằm viện ở khu vực miền Đông Nam Bộ, phần lớn lúc ra viện chỉ là cái giấy rất là mỏng thôi. Giấy tờ đó, người lính bộ binh giỏi lắm giữ được trong vòng 01 năm, bởi vì về mùa mưa thì thế nào cũng bị ướt, kể cả những giấy tờ cá nhân cũng đều bị hỏng cả, cho nên về mặt giấy tờ với anh em đồng đội của tôi thì có người bị thất lạc, bị mất, bây giờ là không giám định được”.

“Còn hơn 5.000 người hoạt động kháng chiến trong tỉnh ta chưa được công nhận để giám định người bị nhiễm chất độc hóa học, đề nghị các cấp, các ngành thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người hoạt động kháng chiến hiện nay còn sống, giải quyết mọi chế độ cho người ta được giám định”. Ông Phan Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum đề nghị.

Đẩy mạnh công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các huyện, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp tăng cường công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong năm 2018, tạo điều kiện giải quyết chế độ, chính sách cho những người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Thu Trang – Ngọc Chí

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *