(kontumtv.vn) – Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân, mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn của phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum ra đời. Thành lập từ năm 2012 đến nay, mô hình từng bước thu hút nhiều hộ dân tham gia, tạo thu nhập ổn định cho bà con.

Gia đình ông Đỗ Văn Luận (tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn của phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum. Trên diện tích 3.000 m2, gia đình trồng đủ các loại rau, củ quả như cải xanh, cải thìa, xà lách, khổ qua, mùng tơi,… Các sản phẩm rau sạch được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, thu hoạch định kỳ với giá thị trường tương đối ổn định. Ông Đỗ Văn Luận cho biết: “Năm 2012, có chương trình hỗ trợ của Phòng Kinh tế thì tôi là người đầu tiên tham gia mô hình rau Vietgap. Mình thấy nó cũng hiệu quả, tại vì mùa mưa mình chủ động được giống, chủ động cây trồng. Nói chung không bị hư hại, nên sẵn sàng tham gia mô hình Vietgap”.

Trồng rau an toàn
Trồng rau an toàn

Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn về kỹ thuật trồng rau đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ông Đỗ Văn Luận nói: “Đã là rau an toàn đương nhiên các quy trình phải nghiêm ngặt từ khâu nước, đất, giống. Nước đây là theo tiêu chuẩn Nhà nước cho phép, không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Cái thứ hai, độ PH trong đất phải đủ tiêu chuẩn để rau an toàn được an toàn. Cái thứ ba về giống phải có nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình mình thâm canh thì đương nhiên phải có xử lý về đất, vệ sinh đồng ruộng hay áp dụng chương trình ABM để sản phẩm mình an toàn trước khi tới tay người tiêu dùng”.

Mô hình rau an toàn ra đời không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng của người nông dân trong việc cung cấp các sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Đây cũng là lý do mô hình từng bước thu hút nhiều hộ gia đình tham gia. Năm 2012, mô hình triển khai thí điểm trên 04 hộ với diện tích khoảng 01 ha. Đến nay, diện tích nhân rộng lên 2,4 ha với sự tham gia của 11 hộ dân. Năm 2013, UBND thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng 03 nhà vòm trị giá khoảng 450 triệu đồng để bà con an tâm sản xuất. Dù vậy, hiện nay, để sản phẩm rau an toàn phổ biến rộng rãi đến người tiêu dùng, người nông dân còn gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thắng Lợi cho biết: “Khó khăn đầu ra thì thực ra hiện nay trên thị trường, người tiêu dùng nhận thức về sản phẩm rau an toàn với rau trôi nổi trên thị trường vẫn còn chưa rõ nét lắm. Hiện nay địa điểm thu mua mới chỉ có 03 cửa hàng thôi, nên người tiêu dùng khó tiếp cận”.

Thực tế, tại các cửa hàng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, lượng khách tuy ổn định nhưng chưa nhiều, đối tượng mua hàng phần đông là công chức, viên chức. Chị Vương Thị Phước, cửa hàng rau an toàn chợ Duy Tân, thành phố Kon Tum nói: “Ở đây chủ yếu là công chức với phụ huynh có con nhỏ họ mua để đảm bảo an toàn cho con họ là chủ yếu. Sáng sớm tranh thủ đi tập thể dục họ ghé mua nhưng cũng ít, chủ yếu là buổi trưa họ đi làm về, đa số công chức đi làm về thì mua”.

Năm 2017, thành phố Kon Tum chủ trương mở rộng thêm 03 ha diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn phường Thắng Lợi. Các cửa hàng Vietgap tiếp tục thu mua nông sản của bà con với giá ổn định. Dù vậy, để rau sạch nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến, cần có chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm quy mô và đồng bộ hơn.

Thu Trang – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *