(kontumtv.vn) – Thực trạng sinh con thứ 3 trở lên đang là nỗi lo của nhiều địa phương ở Kon Tum. Gia tăng dân số ảnh hưởng lớn đến kinh tế, làm tăng tỷ lệ nghèo phát sinh, gây áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh – xã hội. Do nhiều nguyên nhân mà tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao ở một số địa phương. Phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Từ Hữu Phước, Chi cục phó Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh Kon Tum.

PV: Xin ông cho biết tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay như thế nào?

Ông Từ Hữu Phước: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh Kon Tum tính đến 31/12/2017 là gần 20%. Tỷ lệ này tuy có giảm so với những năm trước đây nhưng giảm chậm và vẫn còn cao so với cả nước và khu vực Tây Nguyên. Và tỷ lệ này cao tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Ông Từ Hữu Phước trả lời phỏng vấn của PV
Ông Từ Hữu Phước trả lời phỏng vấn của PV

PV: Như ông vừa chia sẻ, rõ ràng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh hiện nay còn cao, xin ông cho biết nguyên nhân vì sao?

Ông Từ Hữu Phước­: Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại chưa cao. Họ chỉ dùng biện pháp tránh thai tự nhiên nên hiệu quả tránh thai không cao, dẫn đến sinh con ngoài ý muốn còn nhiều. Tiếp theo nữa là nguồn phương tiện tránh thai cấp miễn phí chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, đặc biệt là nguồn thuốc uống tránh thai trong thời gian cho con bú Naphalevo. Ngoài ra, kỹ năng truyền thông của một số viên chức DS-KHHGĐ xã và cộng tác viên tại cơ sở còn yếu, chưa được tập huấn thường xuyên; nội dung và hình thức truyền thông chưa đáp ứng được thực tiễn và nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng.

PV: Vâng, trước thực trạng như vậy, giải pháp cụ thể của ngành DS-KHHGĐ tỉnh Kon Tum là như thế nào?

Ông Từ Hữu Phước: Trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đổi mới hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Xã hội hóa phương tiện tránh thai, triển khai có hiệu quả các mô hình cung ứng dịch vụ thích hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ngoài ra, phải phát huy hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền với các ban, ngành, đoàn thể, chú trọng tập trung ở vùng có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo để giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

PV: Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi vừa rồi!

Thu Trang – Ngọc Chí 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *