(kontumtv.vn) – Hạn chế hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông chưa cao…là những nguyên nhân khiến số vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã ở huyện Đăk Hà vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong vùng đồng bào DTTS.

Trong 11 tháng của năm 2017, trên địa bàn huyện Đăk Hà xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, làm chết 18 người, 120 người bị thương, hư hỏng 07 xe ô tô và 12 xe mô tô… Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến người dân trong vùng đồng bào tộc thiểu số chiếm trên 45% số vụ. Việc sử dụng xe mô tô độ chế, không đảm bảo lưu thông là một trong những nguyên nhân. Thiếu tá Trần Quang Cường, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Đăk Hà cho biết: “Tình hình vi phạm đối với ĐBDTTS thường là không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, sử dụng xe không đảm bảo điều kiện lưu hành như tháo gỡ, cơi nới, độ chế để sử dụng khi tham gia giao thông. Những phương tiện đó không đảm bảo điều kiện khi tham gia giao thông gây nguy cơ cao về mất an toàn giao thông”.

tiem an tai nan

Là địa phương tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, Trong năm 2017, trên địa bàn xã Đăk Hring xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông làm 08 người chết và 14 người bị thương. Ông Hoàng Công Viễn, Phó trưởng Công an xã Đăk Hring nói: “Thời điểm rảy ra tai nạn thường là sau 4, 5 giờ chiều hoặc đến 7, 8 giờ tối. Mùa vụ sau khi thu hoạch cà phê, các thanh niên ĐBDTTS trên địa bàn đi hái cà phê, có tiền thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt và điều khiển phương tiện trong khi đã uống rượu bia rất dễ gây ra tai nạn”.

Nhận thấy nguy cơ cao gây tai nạn giao thông từ các mô tô độ chế, không đảm bảo điều kiện lưu hành,  người điều khiển phương tiện không bằng lái, không đội mũ bảo hiểm…trong thời gian qua, Công an huyện Đăk Hà đã phối hợp lực lượng công an các xã mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường giao thông ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc vi phạm vẫn diễn ra khi không có lực lượng công an. Ông Hoàng Công Viễn cho biết: ‘Đối tượng là ĐBDTTS khi thấy chúng tôi lập chốt thường trốn tránh, khi đến gần chúng tôi đang làm việc thì quay lưng bỏ chạy. Khi chúng tôi yêu cầu lập biên bản tạm giữ xe khi xe có dấu hiệu các lỗi phải tạm giữ phương tiện, các đối tượng ôm xe, khóc lóc… Khi chúng tôi đưa phương tiện về thì các đối tượng này bỏ cả phương tiện không ra xử lý”.

Trước thực trạng này, để hạn chế thấp nhất nguy cơ gây tai nạn giao thông trong vùng nông thôn, bên cạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông thì ngành chuyên môn và địa phương cần có những giải pháp căn cơ. Trước hết là xử lý các phương tiện mô tô độ chế, không đảm bảo điều kiện khi lưu thông – đây cũng chính là một trong những giải pháp bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông.

CTV Thế Quỳnh – Minh Thái 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *