(kontumtv.vn) – Thành phố Kon Tum là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị  và là một trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum. So với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, thành phố Kon Tum có nhiều thế mạnh nổi trội trong phát triển du lịch.

Thành phố Kon Tum cách ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia về phía Đông Nam hơn 73 km. Đây là lợi thế cho việc mở rộng giao lưu kinh tế – chính trị, ngoại giao giữa thành phố Kon Tum với các địa phương và thành phố ở nước bạn Lào, Campuchia trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Thành phố Kon Tum có khí hậu gió mùa cao nguyên, cùng với sự đa dạng của địa hình, thổ nhưỡng; có lịch sử hình thành lâu đời, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trên địa bàn thành phố có nhiều di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng, các công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc … Đây chính là tiềm năng, thế mạnh của thành phố Kon Tum trong phát triển du lịch. Ông Lê Hoàng Ngọc Vũ, Phó Phòng Quản lý Du lịch Sở VH,TH&DL tỉnh Kon Tum nói: “Thành phố Kon Tum có thế mạnh phát triển du lịch bởi vì thành phố có hạ tầng giao thông được kết nối và phát triển, các điểm kết nối điểm đến du lịch của thành phố Kon Tum với các huyện, thành phố, tất cả đều thuận tiện, dễ đi lại và các điểm du lịch liên kết với nhau tạo ra một chuỗi sự kiện du lịch dễ thu hút du khách. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Kon Tum có những kiến trúc văn hóa và di tích lịch sử nổi tiếng, đó là những điểm du lịch rất hấp dẫn mà bất cứ ai khi đến Kon Tum đều tham quan những điểm  này”.

Cầu treo Kon Klor
Cầu treo Kon Klor

Trên cơ sở khai thác lợi thế của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Kon Tum, hệ thống di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc tôn giáo và một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum, thành phố Kon Tum đã phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc như Du lịch sinh thái – cộng đồng, đó là tua du lịch thưởng ngoạn thiên nhiên và trải nghiệm đời sống người dân ở làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa; Du lịch văn hóa – lịch sử cách mạng với hệ thống các điểm du lịch độc đáo như Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Khu Di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ Kon Tum, Tòa Giám mục Kon Tum, cầu treo Kon Klor và hệ thống nhà mồ tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn  thành phố, là điểm đến hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Thành phố Kon Tum  có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, dệt thổ cẩm, đan lát…  Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, nhằm mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân và cộng đồng xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Hiện công tác phát triển du lịch cộng đồng đang được chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bà Phan Thị Thu Hà, Trưởng Phòng VH-TT thành phố Kon Tum cho biết: “Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, với chức năng nhiệm vụ được giao, Phòng VH-TT thành phố huy động nguồn lực xã hội để tham gia phát triển du lịch. Phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa của vùng đất Tây Nguyên nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng với khách du lịch và bạn bè thế giới. Phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Kon Ktu xã Đăk Rơ Wa. Hiện nay thành phố đang tiếp tục phát huy và bảo tồn các ngành nghề truyền thống để phục vụ du lịch cộng đồng, tiếp tục duy trì các sản phẩm sẵn có và xây dựng mới các sản phẩm du lịch đặc sắc“.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, thành phố Kon Tum đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư khá đồng bộ, kinh tế phát triển đều ở các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây chính là tiềm năng, thế mạnh của thành phố Kon Tum trong thu hút đầu tư, trong đó có những dự án đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Thành phố ngày càng có nhiều nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư hệ thống lưu trú  du lịch đạt tiêu chuẩn 2 sao, ba sao, các điểm tổ chức sự kiện, mua sắm. Ông Nguyễn Đình Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo về mọi mặt của các cấp chính quyền, hiện nay thành phố Kon Tum đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 với quy mô hình thức cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại, bền vững theo mô hình thành phố xanh”.

Hiện nay, thành phố Kon Tum đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố giai đoạn 2011-2020, định hướng 2025. Một trong những định hướng lớn của thành phố là tăng cường thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa hiệu quả và khai thác lợi thế, tiềm năng của mình. Trong tầm nhìn dài hạn, thành phố xác định phát triển trở thành thành phố sinh thái. Với quan điểm phát triển này, thành phố Kon Tum chú trọng  ưu tiên thu hút đầu tư  các dự án mang tính xã hội, bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là tiềm năng trong phát triển du lịch của thành phố Kon Tum.

Trên cơ sở Chương trình số 35 của Tỉnh ủy Kon Tum thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở VH-TT&DL tỉnh đã và đang phối hợp với các sở, ngành, UBND thành phố  triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch. Cụ thể là tập trung  xây dựng Khu Du lịch văn hóa lịch sử Ngục Kon Tum. Trong đó tiếp tục củng cố, hoàn thiện hồ sơ khoa học tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử  cấp quốc gia đặc biệt đối với Di tích Nhà Ngục Kon Tum; quy hoạch phân khu  khu thương mại – dịch vụ – du lịch và dân cư trong khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố; xây dựng  hoàn thiện Làng văn hóa Kon Ktu; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch… Bên cạnh đó đẩy mạnh kêu gọi và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống cơ sở lưu trú, các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm phục vụ phát triển du lịch.

Tin tưởng với sự nỗ lực trong khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, thành phố Kon Tum  ngày càng thu hút được nhiều du khách đến tham quan và tăng doanh thu du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *