(kontumtv.vn) – Mặc dù đã chủ động phòng ngừa, nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục lây lan ra diện rộng và làm ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi Việt Nam. Trước thực trạng này, tỉnh Kon Tum đã và đang có nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa phương.

Xác định mức độ nguy hại của dịch tả lợn châu Phi, ngày 13/3/2019, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 230 về kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, công tác phòng chống dịch bệnh đã được các địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Việc lập chốt liên ngành kiểm tra vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến giao thông đầu mối ra vào tỉnh được thực hiện nghiêm túc. Ông Nguyễn Văn Trung, Trạm Kiểm dịch động vật Sao Mai, thành phố Kon Tum nói: “Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, trạm trực 24/24, chấp hành khử trùng tiêu độc, phun thuốc các phương tiện vận chuyển, gia súc gia cầm qua đây. Cũng có cả công an và quản lý thị trường cùng kết hợp ở trạm để làm việc”.

Khử trùng tiêu độc
Khử trùng tiêu độc phòng chống dịch

Tính đến ngày 20/5/2019 đã có 34 tỉnh, thành phố trong cả nước có xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và đã có 1,5 triệu con lợn bị tiêu hủy. Trên địa bàn Tây Nguyên dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại tỉnh Đăk Nông và giáp với tỉnh Kon Tum là tỉnh Quảng Nam cũng xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan vào tỉnh Kon Tum là rất lớn; do vậy, việc kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện dịch nếu xảy ra luôn được cơ quan chức năng chú trọng. Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Kon Tum cho biết: “Riêng đối với tỉnh Kon Tum hiện nay các ngành chức năng chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh”.

Không xuất hiện dịch tả lợn châu Phi không có nghĩa là không kiểm soát phương tiện ra vào địa bàn tỉnh thiếu chặt chẽ, mà ngược lại ngành chức năng đã thực hiện nghiêm các giải pháp như kiểm soát vận chuyển, quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học, chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh,  đẩy mạnh truyền thông và giải pháp sẵn sàng tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi; cơ quan chức năng còn  triển khai lực lượng cơ động để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra. Ông Đoàn Thanh Mai nói: ‘Chi Cục Thú y thành lập các tổ phản ứng nhanh và đội kiểm tra, kiểm dịch trên địa bàn toàn tỉnh nhằm kiểm tra ngăn chặn việc vận chuyển gia súc từ các tỉnh lân cận vào địa bàn, thực hiện tốt công tác khử trùng tiêu độc trên đàn gia súc và khu chăn nuôi của dân trên các địa bàn huyện, thành phố để ngăn chặn dịch bệnh vào địa phương”.

Virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng rất tốt với điều kiện bên ngoài. Đối với thịt khô virus tồn tại trong 300 ngày; đối với thịt đông lạnh virus tồn tại hơn 1.000 ngày. Virus dịch tả lợn châu Phi có rất nhiều phương thức xâm nhiễm như qua đường thứ nhất vận chuyển từ vùng có dịch ra ngoài; thứ hai người di chuyển từ vùng có dịch ra ngoài; thứ ba lây lan qua sản phẩm lợn kể cả sản phẩm lợn mắc bệnh đã qua chế biến. Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn thừa của con người để làm thức ăn chăn nuôi lợn cũng làm lây lan dịch tả lợn châu Phi.

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị cho bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, việc chủ động phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vào tỉnh là biện pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *