(kontumtv.vn) – Thực hiện Quyết định số 461 ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”, tỉnh Kon Tum đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển.

Trên cơ sở Quyết định số 461 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3419 ngày 5/12/2018 về việc hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, hoạt động hiệu quả. Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của các hợp tác xã nông nghiệp được cơ quan chức năng triển khai đồng bộ. Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum nói: “Để giúp các HTX nông nghiệp phát triển, trong thời gian vừa qua khi Chi cục được giao nhiệm vụ chúng tôi xác định trước hết là nâng cấp công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các HTX, thứ hai là tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn phát triển hạ tầng cho HTX. Thứ 3 là xây dựng mô hình liên kết giữa HTX với hộ dân và các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm làm ra”.

Giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các HTX nông nghiệp
Giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các HTX nông nghiệp

Đến nay, có trên 700 lượt cán bộ hợp tác xã được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Liên Minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức. Thông qua tập huấn, đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã nắm bắt những chủ trương, chính sách ưu tiên của Trung ương và địa phương để phát huy lợi thế; được trang bị kiến thức nền tảng về thị trường, về xu thế phát triển để định hướng phù hợp. Thông qua mô hình phát triển nguồn nhân lực, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ đã đào tạo qua đại học về công tác và đội ngũ này được ngân sách địa phương chi trả lương. Ông Lê Ngọc Khanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Thương mại và Dịch vụ Cựu quân nhân, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà cho biết: “Đơn vị chúng tôi gặp một số khó khăn, hạn chế như khâu quản lý chưa có kinh nghiệm, về công tác văn phòng chưa được sâu lắm. Được các cấp quan tâm giúp đỡ, được tập huấn các lớp quản lý cán bộ HTX, sau đó được các cấp quan tâm cử cán bộ trẻ về làm việc tại HTX, từ khi có kế toán cán bộ trẻ về giúp HTX về công tác văn phòng, sổ sách thuận lợi hơn”.

Thông qua chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng các hợp tác xã, từ năm 2019 đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã phân bổ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gần 5,7 tỉ đồng để hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho 19 hợp tác xã nông nghiệp. Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp Rạng Đông tại huyện Đăk Tô được hỗ trợ trên 400.000.000đ để xây dựng công trình nhà màn phơi sản phẩm nông nghiệp sạch và nhà kho chứa sản phẩm. Sự hỗ trợ này giúp hợp tác xã thuận lợi hơn trong việc tham gia chuỗi sản xuất, chế biến cà phê sạch. Bà Lương Thị Lan, HTX Nông nghiệp Rạng Đông huyện Đăk Tô nói: “Quá trình thành lập HTX chúng tôi được tỉnh hỗ trợ rất nhiều như hỗ trợ về sân phơi, nhà xưởng rồi tập huấn 1 năm mấy lần, rồi cho vay vốn ưu đãi; đi trưng bày sản phẩm, tiếp cận khách hàng, thuận lợi trong kinh doanh”.

Một trong những nội dung hỗ trợ của UBND tỉnh Kon Tum được các hợp tác xã đồng thuận cao đó là chương trình hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 25 hợp tác xã tham gia các chuỗi liên kết giá trị như chuỗi giá trị cà phê, cây ăn quả, dược liệu, mía đường và lúa gạo. Để có được kết quả này tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã gần 10 tỉ đồng để xây dựng chuỗi liên kết. Cụ thể, bà con nông dân được tập huấn, được hỗ trợ để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp an toàn; các cơ sở chế biến của các hợp tác xã được tập huấn, được đầu tư thiết bị để chế biến sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và các cơ sở phân phối sản phẩm cũng được tiếp sức để tiêu thụ các sản phẩm đúng theo quy định như có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc HTX Bắc Tây Nguyên FARM, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà nói: “Hợp tác xã mới thành lập đã được sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là của xã, của huyện, của tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, đến bây giờ chúng tôi đã thành lập được chuỗi liên kết cà phê sạch Phú Sĩ, mới đây HTX chúng tôi được huyện hỗ trợ thi sản phẩm OCOP”.

Việc được hỗ trợ, tiếp sức kịp thời, hiệu quả của tỉnh đối với các hợp tác xã đã tạo thuận lợi lớn cho các hợp tác xã trong việc sản xuất, kinh doanh, giúp tăng thu ngân sách địa phương, tạo việc làm ổn định cho người lao động và nâng cao đời sống cho xã viên. Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: “Về năng lực quản trị mọi mặt của ban giám đốc HTX được nâng lên, đến nay đã có 1 số HTX xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất tiêu thị sản phẩm, các hợp tác xã tự tin hơn, có chiến lược đầu tư đúng hơn về chiến lược tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt được những áp lực, khó khăn so với ban đầu”

Tỉnh Kon Tum hiện có 108 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 24 HTX nông nghiệp được thành lập trong 6 tháng đầu năm 2020. Hiện nay, các chương trình hỗ trợ giúp các hợp tác xã nông nghiệp phát triển đã và đang tiếp tục được tỉnh triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đây là cơ sở thực hiện mục tiêu phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh được hiện thực hóa.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *