(kontumtv.vn) – Trước áp lực các tỉnh giáp ranh như Gia Lai, Quảng Nam xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Kon Tum đã có chỉ đạo và triển khai  quyết liệt các giải pháp về phòng chống dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn tỉnh.

Là địa phương có các tuyến Quốc lộ 24, Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40B và nhiều đường mòn, lối mở tiếp giáp với các tỉnh bạn Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Ngãi và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia nên tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, kiểm dịch việc vận chuyển gia súc ra vào địa bàn. Giải pháp lập các chốt kiểm soát tạm thời đã được các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Ông Đoàn Thanh Mai, Chi cục phó Chi cục Chăn Nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: “Đã có ba trạm kiểm dịch Măng Khênh, Vi Ô lắc và Sao Mai chặn các đường chính, còn các đường phụ giáp các tỉnh như đường mòn các huyện cũng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện thành lập các chốt tạm thời để kiểm soát gia súc vận chuyển ra vào địa bàn để khử trùng tiêu độc và phát hiện sớm mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi”.

Với sức lây lan khủng khiếp, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 45 tỉnh thành trong cả nước tính đến cuối tháng 5. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hộ chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế của đất nước và tâm lý của người tiêu dùng. Bởi lẽ, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Gần đây nhất là Công văn số 1271 ngày 29/5/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, kiếm soát trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu phi. Trên cơ sở đó, giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hại của dịch tả lợn châu Phi cùng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã được các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện. Tại thành phố Kon Tum, giải pháp giúp hơn 1.300 hộ chăn nuôi bảo vệ đàn lợn trên 21.000 con được an toàn trước dịch bệnh đã được chú trọng. Bà Trần Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum nói: “Hiện nay trên địa bàn thành phố Kon Tum đã lập được 3 chốt kiểm dịch tạm thời tại đường tắt lối mở, vị trí tiếp giáp với tỉnh Gia Lai, tăng cường các hoạt động kiểm tra, các hoạt động kinh doanh mua bán giết mổ gia súc trên địa bàn. Biện pháp tiếp theo là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch đến các đối tượng như buôn bán, chăn nuôi, giết mổ và sẵn sàng các phương án để ứng phó khi có dịch xảy ra”.

Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, rất cần sự vào cuộc của người dân, trong đó việc thực hiện 5 không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng là hết sức cần thiết. Cụ thể, thứ nhất không giấu dịch bệnh, không điều trị lợn bệnh; thứ 2 không mua bán vận chuyển lợn bệnh và lợn chết; thứ 3 không giết mổ, không tiêu thụ lợn bệnh cũng như thịt lợn chết; thứ 4 không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra môi trường làm phân tán dịch bệnh; thứ 5 không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt. Bên cạnh đó, giải pháp đẩy mạnh tiêu trùng khử độc, vệ sinh chuồng trại, ngăn chặn các trung gian gây mầm bệnh và không nhập giống từ những nơi không rõ nguồn gốc cũng cần được hộ chăn nuôi chú trọng thực hiện. Ông Đoàn Thanh Mai đề nghị: “Mong muốn mọi người dân tham gia, ủng hộ trong công tác phòng chống dịch bệnh cùng với chính quyền địa phương để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn. Có thông tin kịp thời để cơ quan chức năng xử lý kịp thời”.

Tính đến cuối tháng 5/2019, tỉnh Kon Tum vẫn an toàn trước dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan vào tỉnh Kon Tum là rất lớn. Vì vậy, việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi đã và đang được tỉnh Kon Tum triển khai quyết liệt.

Văn Hiển- Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *