Nhân dịp Xuân mới Giáp Ngọ 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được và những công việc cần tập trung làm tốt trong chặng đường còn lại của nhiệm kỳ Đại hội khóa XI, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh yếu tố nội lực và niềm tin, coi đây là động lực đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển bền vững.
PV: Thưa Tổng Bí thư, đất nước đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ khóa XI, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Tổng Bí thư có thể cho biết những kết quả lớn nhất đã đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhìn lại 3 năm qua, có thể thấy tình hình thế giới bên cạnh mặt thuận lợi cũng có những diễn biến rất phức tạp; xung đột xảy ra ở nhiều nơi, khủng hoảng tài chính – tiền tệ và suy thoái kinh tế toàn cầu… đã tác động bất lợi đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Ở trong nước, lạm phát, nợ công tăng cao đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô; kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện, đã tạo gần 1,6 triệu việc làm, trên 2,5 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, tỉ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm. Các hoạt động văn hóa, thể thao được quan tâm phát triển gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và chương trình xây dựng nông thôn mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được tăng cường, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được bảo vệ.
Công tác đối ngoại được đẩy mạnh toàn diện và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc nâng cấp, đưa quan hệ song phương với nhiều nước đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực hơn, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác quan trọng của khu vực và toàn cầu. Lần đầu tiên Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Ủy ban Di sản UNESCO, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)… chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Mặc dù kinh tế thế giới suy giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu của nước ta vẫn tăng bình quân 22%/năm, cán cân thương mại được cải thiện đáng kể. Vốn FDI đăng ký mới và thực hiện năm sau cao hơn năm trước, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; riêng năm 2013 vốn FDI đăng ký đạt 22 tỉ USD, tăng 35% so với năm 2012. Du lịch Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công; toàn ngành đã đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 200.000 tỉ đồng, về đích trước 2 năm so với mục tiêu năm 2015 mà Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đã đề ra…
Các nghị quyết, kết luận của Trung ương đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc. Việc tiến hành ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đạt một số kết quả bước đầu. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội không ngừng được mở rộng và phát huy.
Đặc biệt là, với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Hiến pháp mới đã được tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, tạo tiền đề để dân tộc ta tự tin, tiếp tục vững bước đi trên con đường đã chọn, xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bài học kinh nghiệm của những kết quả, thành tựu rất đáng trân trọng đạt được trong 3 năm qua chính là phải biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn chăm lo, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, khai thác tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực phục vụ cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI của Đảng đã đề ra.
PV: Gần đây, nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, đã bị xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Phải chăng đây là bước quyết liệt hơn trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, thưa Tổng Bí thư?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phòng, chống tham nhũng là một yêu cầu, nội dung lớn của Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập là theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương.
Sau gần một năm được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị và đi vào hoạt động, Ban đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và bước đầu làm được một số việc. Bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng được kiện toàn với việc tái lập Ban Nội chính từ Trung ương tới địa phương. Bảy đoàn công tác đã được cử tới các bộ, ngành, địa phương, trong đó có cả các cơ quan tư pháp Trung ương để kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm.
Đã thúc đẩy việc xử lý, giải quyết một số vụ tham nhũng tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 8 vụ án, 2 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2013 và sẽ xem xét đưa thêm một số vụ án, vụ việc khác vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trong năm 2014.
Tuy nhiên, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công việc lâu dài; rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt. Tốt nhất là đừng để nó xảy ra; phải tìm cách ngăn chặn, răn đe trước, làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng… Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng tích cực.
Tham nhũng như ung nhọt nhức nhối, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm; lãng phí về của cải, tiền bạc, tài nguyên, thời gian, công sức… Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng ra đời chính là nhằm phòng, chống cho được tham nhũng, lãng phí, những hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm, hư hỏng, suy thoái biến chất trong cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý…
Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã giúp mỗi tổ chức và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn những tiêu cực, sai phạm. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên đã có nhiều việc làm thiết thực để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.
Ở Trung ương, đó là việc xây dựng một loạt cơ chế, chính sách, quy chế, quy định nhằm phát huy mặt tích cực, xây dựng mặt tốt và ngăn ngừa, hạn chế những mặt xấu, tiêu cực. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; mở lớp bồi dưỡng cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, mở lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn; ban hành Quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định những điều đảng viên không được làm; quy định việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên,…
Nhiều địa phương đã rà soát, điều chỉnh, thu hồi các dự án được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và bố trí lại một số cán bộ; tập trung xem xét, giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài, các vụ việc phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm…
Nhiều cơ quan, đơn vị đã có sự đổi mới, cải tiến về việc sử dụng xe công, tổ chức hội nghị, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc… Hay như đi công tác địa phương, đã cắt giảm lễ nghi, hình thức, tập trung vào làm việc thực chất hơn… Tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc với dân để hiểu thêm tình hình đời sống, sản xuất, tâm tư nguyện vọng của dân. Bằng việc trao đổi cởi mở, thẳng thắn, lãnh đạo Trung ương có điều kiện hiểu rõ hơn thực tế của địa phương, đơn vị; những kinh nghiệm hay, cách làm tốt cần phát huy, nhân rộng; những tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ… từ đó có thêm thông tin, tư liệu thực tế cho việc hoạch định chủ trương, chính sách.
Những việc làm đó dù nhỏ nhưng rất có ý nghĩa, rất cần thiết, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình. Nhân dân mong muốn: Đã là cán bộ, đảng viên thì phải luôn gương mẫu, tự rèn giũa mình, gần gũi gắn bó với dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, lắng nghe, học hỏi nhân dân, từ những việc cụ thể, nhỏ nhất.
Trong khi mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân; những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… đang làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, thì việc tiếp tục thực hiện thật tốt ba vấn đề cấp bách và bốn nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa sống còn, nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng tầm lãnh đạo đất nước.
PV: Thưa Tổng Bí thư, trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XI, tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, chúng ta sẽ phải tập trung ưu tiên vào những việc gì để có thể hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ khóa XI (2014 – 2015), yêu cầu nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Ưu tiên hàng đầu vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.
Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hướng mạnh các nguồn lực cho khu vực sản xuất kinh doanh, tạo động lực và niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, phục hồi nhịp độ tăng trưởng. Đồng thời vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (cả về thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng) gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế bằng những bước đi, giải pháp cụ thể, phù hợp, để vừa hỗ trợ ngay cho phục hồi tăng trưởng, vừa bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trong các năm sau.
Qua 8 kỳ hội nghị, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận nhằm định hướng giải quyết các vấn đề có tính “sâu rễ bền gốc” đối với sự phát triển lâu dài của đất nước, như phát triển khoa học công nghệ; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo; ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Bên cạnh đó, cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,…
Mục tiêu là vậy, hướng đi đã rõ, nhưng để tạo được chuyển động trên thực tế cần có bước đi cụ thể, có sự vận dụng sáng tạo của các cấp, các ngành, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị.
Đi khảo sát thực tế, làm việc ở một số địa phương, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, thực hiện công nghiệp hóa không có nghĩa là phát triển công nghiệp một cách tràn lan, bằng bất cứ giá nào, mà phải chọn lọc, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tùy điều kiện của từng nơi, đồng thời phải phát huy cho được ảnh hưởng gia tăng của công nghiệp đối với phát triển nông nghiệp. Trong điều kiện kinh tế suy giảm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chính nông nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với những địa phương có ưu thế phát triển nông, lâm nghiệp cần tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, các sản phẩm chủ lực, có giá trị chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và mở hướng xuất khẩu. Ngay cả những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh… cũng không được xem nhẹ nông nghiệp, mà vẫn phải chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chất lượng cao. Trong phát triển công nghiệp, cần chọn lọc các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, ít ảnh hưởng đến môi trường; quan tâm đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu; chú trọng đến giá trị và chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng thực chất và mang lại lợi ích thiết thân cho người dân.
Bước sang năm 2014, tình hình đất nước bên cạnh những mặt thuận lợi cơ bản, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong khó khăn càng phải vững niềm tin, đồng thuận và quyết tâm cao; mọi hành động, việc làm phải nhằm thực hiện cho được mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, tạo cho được chuyển biến trên thực tế.
Nhân dịp Xuân mới, tôi thân ái gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các gia đình Việt Nam ta đón Tết cổ truyền thật đầm ấm, yên vui và bước vào năm mới Giáp Ngọ với khí thế mới, quyết tâm mới, niềm tin mới, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư./.
Nguyễn Sự/TTXVN