(kontumtv.vn)-Sáng 27/11, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm tổ chức thực hiện. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng BCĐ TW Tổng kết Nghị quyết TW7 khóa X Nguyễn Văn Bình chủ trì hội nghị.

 tong ket 10 nam

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Nghị quyết 26 ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X là một Nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết đã được cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai nghiêm túc, tích cực, đạt được nhiều kết quả to lớn. Qua đó, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Cụ thể, nền nông nghiệp có nhiều chuyển biến cả về quy mô và trình độ sản xuất; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng. Giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của ngành nông – lâm – thủy sản đạt gần 3%/năm. Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế; cơ cấu sản xuất được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích năm 2017 đạt hơn 90 triệu đồng/ha. Một số nông sản đã khẳng định vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản năm 2017 đạt  hơn 36 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2008. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực; hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn, hiệu quả cao. Hiện cả nước có trên 34.000 trang trại; gần 11.700 HTX nông nghiệp, gần 1.200 HTX phi nông nghiệp; trên 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Xây dựng NTM trở thành phong trào sâu rộng; hiện cả nước có 3.069 xã, 43 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng hơn 3 lần từ hơn 9 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm, riêng các huyện nghèo giảm tới 4%/năm. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN được thúc đẩy và đạt hiệu quả hơn; trình độ cơ giới hóa được nâng cao; hàng loạt chính sách về nông nghiệp, nông thôn được sửa đổi để phù hợp với cơ chế thị trường; ưu đãi về đất đai đã khuyến khích nông dân yên tâm hơn vào đầu tư cho sản xuất; trên 1 triệu tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đã được đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn 10 năm qua. Tại hội nghị, các đại biểu tham gia Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 như: phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn của cả nước còn thiếu ổn định, không đồng đều; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp; công tác đào tạo nghề nông thôn chưa đạt như kỳ vọng; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng… Hội nghị xác định mục tiêu chung trong thời gian tới là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững; phát triển đa dạng kinh tế nông thôn; cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn…Phấn đấu đến năm 2030 tăng trưởng GDP nông – lâm – thủy sản khoảng 3%/năm; tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; trên 90% xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng trên 9%/năm…Phát biểu kết luận hội nghi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, biểu dương những thành tích, những nỗ lực trong quá trình triển khai Nghị quyết của các bộ ngành trung ương nói chung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói riêng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian tới, trước những thách thức từ nội tại của ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu, cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phát huy tốt hơn nữa sứ mệnh và vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực. Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục trong thời gian tới. Thủ Tướng yêu cầu cần tuyên truyền vận động nhân dân, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách; làm tốt công tác quy hoạch; huy động các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

  Đức Thắng – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *