(kontumtv.vn) – Sáng ngày 13/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 trên địa bàn tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy A Pớt; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa cùng chủ trì hội nghị.

Hội nghị đánh giá, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và 10 năm thực hiện Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, tỉnh Kon Tum đã và đang giữ vững ổn định chính trị- xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân. Kinh tế của tỉnh được duy trì ở mức tăng trưởng khá. GRDP bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, từ 3,2 triệu đồng năm 2002 tăng lên gần 47 triệu đồng năm 2021. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng, từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 25% năm 2002, đến năm 2005 toàn tỉnh không còn hộ đói và đến năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,32% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020). Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2002 từ 5,2% tăng lên 22% năm 2012, đến năm 2021 đạt gần 51%, gấp 10 lần so với năm 2002.  Hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Đến nay tỉnh Kon Tum đã phá được thế ngõ cụt bằng các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên; diện mạo đô thị từng bước đổi mới; ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; thương mại và dịch vụ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân; sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, đến nay đã có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn có sự thay đổi đáng kể; văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; hệ thống chính trị từng bước được củng cố, kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận số 12 vẫn còn một số hạn chế, đó là quy mô nền kinh tế của tỉnh còn thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; chênh lệch giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn còn cao; một bộ phận khá lớn người dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn chưa thoát nghèo; tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai trong nhân dân chưa được xử lý triệt để; tình hình an ninh nông thôn vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định.

Trên cơ sở kết quả đạt được cũng như những hạn chế, thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá, làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa tổ chức thực hiện, sự chuyển biến về nhận thức của các tầng lớp nhân dân và kết quả thực hiện đối với từng nhiệm vụ, giải pháp xác định tại Nghị quyết 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị. Đồng thời phân tích, làm rõ những hạn chế tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; trên cơ sở đó, xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời kỳ mới; kiến nghị, đề xuất với Trung ương những cơ chế, chính sách cho vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng phát triển đột phá trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh  ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh, thời gian tới, Trung ương sẽ tổng kết Nghị quyết 10 và Kết luận số 12 để đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình mới. Khi có chủ trương mới của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ cụ thể hóa để triển khai thực hiện. Trước mắt, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội./.

                                                                     Thanh Tùng – Đức Thắng

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *