(kontumtv.vn) – Chỉ trong ngày 23/8, trên địa bàn huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra 11 trận động đất với cường độ từ 2,5 – 4,7 độ richter, độ sâu tiêu chấn từ 8,1 – 8,2 km. Trong đó, trận động đất xảy ra vào lúc hơn 14 giờ có cường độ lớn nhất kể từ năm 1903 đến nay, với 4,7 độ richter; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1 và phạm vi ảnh hưởng lan rộng ra các tỉnh lân cận.

UBND huyện Kon Plông cho biết, sau các trận động đất trong ngày 23/8 và rạng sáng ngày 24/8 chưa có thiệt hại nào về người và tài sản. Tuy nhiên, các trận động đất đã gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền và cung cấp thông tin về động đất, các biện pháp ứng phó cần thiết để người dân biết, chủ động ứng phó, yên tâm sản xuất, sinh sống, tránh tâm lý hoang mang. Ông Lê Đức Tín – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Ngay sau khi xảy ra thì qua kênh, nhóm Zalo quản lý phòng, chống thiên tai của huyện đã có văn bản khẩn chỉ đạo cho các xã, các ban, ngành, cử cán bộ xuống thôn, rà soát, nắm bắt lại tình hình. Nếu có thiệt hại xảy ra thì báo cáo nhanh và có phương án theo phương châm 4 tại chỗ ở dưới. Nếu vượt khả năng của xã thì huyện sẽ hỗ trợ để giải quyết khắc phục. Qua các lần thống kê thì đến nay chỉ có một hộ dân là bị rớt mái hiên phụ phía sau, mái hiên này đã xuống cấp, thế thì dân đã tự khắc phục trở lại được”.

Theo ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu, từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và các vùng lân cận có hơn 300 trận động đất với cường độ ngày càng lớn. Trong đó, trận động đất lớn nhất diễn ra vào lúc hơn 14 giờ ngày 23/8 có cường độ 4,7 độ richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Theo Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, khu vực dân cư các xã Đăk Nên, Đăk Ring, Măng Bút có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp do động đất. Tổng số hộ dân phải sơ tán khoảng 900 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu. “Động đất là một dạng thiên tai đặc thù và khó có thể dự báo trước được cấp độ xảy ra. Cho nên huyện đã có một phương án điều chỉnh tương ứng với cái loại hình thiên tai. Chỉ đạo cho các xã, các ngành luôn luôn bám sát nhân dân để nắm tình hình trong đó và có cái hướng dẫn cụ thể để ứng phó cho nó kịp thời. Đối với các xã thì cũng thường xuyên ứng trực, xây dựng các lực lượng, nhất là Tổ xung kích ở dưới; rồi đối với huyện thì có các lực lượng đoàn thanh niên, rồi lực lượng vũ trang sẵn sàng ứng trực để có ứng cứu kịp thời, hỗ trợ cho nhân dân”, ông Lê Đức Tín – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết thêm.

 Trước đó, ngay sau khi xảy ra liên tiếp các trận động đất, trong ngày 23/8, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố nhanh chóng kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra; kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Bên cạnh đó sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tình hình động đất, cách nhận biết và kỹ năng ứng phó với động đất để người dân, cộng đồng chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại./.

Hơ Jan – Thanh Hà – Thiều Vân – Phạm Trọng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *