(kontumtv.vn) – Để hiểu rõ hơn về nội dung Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ và những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh Kon Tum, phóng viên đài PT-TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông U Minh Nam, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum.

PV: Thưa ông! Xin ông cho biết những nét mới của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.

Ông U Minh Nam: Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 100 của Chính phủ. Nội dung chủ yếu tập trung vào 3 dự án thành phần gồm: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Dự  án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và Dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng các công trình 135. Về định mức đầu tư hỗ trợ là 300 triệu đồng/ xã/ năm, 50 triệu đồng/ thôn/ năm. Về đầu tư cơ sở hạ tầng là 1 tỉ đồng/ xã/ năm. 200 triệu đồng/ thôn/ năm. Về đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng, định mức 60 triệu đồng/xã và 15 triệu đồng/thôn/năm. Chương trình 135 có kế thừa giai đoạn I và II, có bổ sung thêm phần đào tạo, nâng cao năng lực. Về định mức theo quy định có nâng cao hơn, được tăng lên 1,5 lần so với định mức của Chương trình 135 giai đoạn II.

PV:  Thưa ông! Việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020  trên địa bàn tỉnh Kon Tum có gì mới ?

Ông U Minh Nam trả lời phỏng vấn
Ông U Minh Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài PT-TH Kon Tum

Ông U Minh Nam: Đối với tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016-2020, cụ thể năm 2016 tỉnh có  61 xã và 50 thôn được thụ hưởng Chương trình 135. Về công tác quản lý được thống nhất giao cho cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện là đầu mối để theo dõi, quản lý, tham mưu thực hiện chương trình. Cụ thể ở tỉnh là Ban Dân tộc, ở huyện là Phòng Dân tộc làm đầu mối quản lý, theo dõi. UBND tỉnh thống nhất sử dụng ban giảm nghèo các cấp để triển khai chương trình đạt hiệu quả. Chương trình phát huy sự tham gia của cộng đồng, người dân để tạo việc làm và sự tham gia của người dân. Chương trình có sự phân cấp mạnh mẽ trong quản lý đầu tư cho cơ sở, đặc biệt phân cấp cho các xã để nâng cao năng lực quản lý, tự chủ của các xã. Về phân bổ vốn năm 2016 tỉnh đã xây dựng tiêu chí theo hệ số K cho phù hợp với giai đoạn. Cơ chế thực hiện theo Luật Đầu tư công và đưa vào ké hoạch trung hạn 2016-2020 và kế hoạch trung hạn hàng năm. Về nội dung thì ngoài 2 hợp phần hỗ trợ sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng, có bổ dung thêm hợp phần đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thực hiện lồng ghép 30% vốn đầu tư xây dựng Chương trình 135 để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích các địa phương lồng ghép tối đa vốn Chương trình 135 để xây dựng nông thôn mới.

PV: Thưa ông! Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, năm 2016 Ban Dân tộc tỉnh đã có những hoạt động gì để đưa Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020  vào thực tiễn trên địa bàn?

Ông U Minh Nam: Để đưa Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đi vào thực tiễn, trước hết Ban Dân tộc là cơ quan thường trực đã chủ động phối hợp với liên ngành tham mưu UBND tỉnh trong chỉ đạo triển khai thực hiện ở cơ sở; cũng như công tác hướng dẫn, đôn đốc hướng dẫn thực hiện ở cơ sở đúng theo quy định. Ngoài ra Ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình cả giai đoạn và hàng năm, làm cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, các xã thống nhất sử dụng Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp để tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả của chương trình. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ban Dân tộc được tăng cường, hàng năm đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để uốn nắn ở cơ sở, để thực hiện đảm bảo quy trình, chất lượng. Hàng năm phối hợp cùng các sở, ngành đi cơ sở trực tiếp hướng dẫn các huyện, các bộ phận chuyên môn cơ sở để thực hiện chương trình có hiệu quả. Ban Dân tộc chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu với UBND tỉnh phân bổ vốn 135 năm 2016 do Trung ương cấp về với tổng kinh phí hơn 80 tỉ đồng để thực hiện các hợp phần. Việc phân bổ theo tiêu chí do UBND tỉnh ban hành, phân bổ cụ thể từng xã, từng thôn thực hiện.

PV: Thưa ông! Quá trình triển khai Chương trình 135 giai đoạn III đến thời điểm này có những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông U Minh Nam: Về thuận lợi, đây là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đã triển khai từ năm 1999 đến nay, qua 3 giai đoạn, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, các ngành trong kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai thực hiện, đem lại lòng tin cho nhân dân, được người dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng. Chương trình qua các giai đoạn rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2016-2020 tốt hơn. Quá trình thực hiện các giai đoạn trước người dân đã nâng cao hiểu biết, nhận thức và đã tích cực hưởng ứng, thật sự chương trình phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Về khó khăn, nguồn vốn Trung ương cấp về thiếu so với định mức quy định. Công tác hướng dẫn của Trung ương còn chậm, ảnh hưởng đến triển khai. Đặc biệt là hướng dẫn tiêu chí phân bổ vốn còn chậm. Việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư thì hiện nay thực hiện phân cấp mạnh. Tuy nhiên 1 số xã thực hiện còn lúng túng, do trình độ năng lực hạn chế. Một số cán bộ xã thường xuyên luân chuyển làm ảnh hưởng đến việc nắm bắt, triển khai chương trình có những khó khăn nhất định. Do địa bàn rộng dẫn đến việc nắm bắt tình hình ở cơ sở có những khó khăn. Công tác quản lý, duy tu, bảo quản các công trình ở cơ sở, nhất là các thôn làng có những hạn chế, nhất là công trình nước sinh hoạt. Đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa xây dựng được các mô hình điển hình mang lại thu nhập cho người dân để nhân rộng. Về địa bàn, hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa, thời tiết không thuận lợi, đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình 135. Những khó khăn chúng tôi đã tham mưu với UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương, một số đã được giải quyết, những nội dung còn lại chúng tôi tiếp tuc giải quyết.

PV: Chân thành cảm ơn ông!

                                                                             Văn Hiển – Công Luận

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *