(kontumtv.vn) – Việt Nam khẳng định, những thông tin mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp thời gian gần đây là hoàn toàn sai sự thật.

Ngày 16/6, trong cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ những lập luận vô căn cứ của Trung Quốc về chủ quyền các quần đảo trên Biển Đông, cung cấp bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã đưa các tàu và máy bay quân sự, đồng thời tiếp tục dùng tàu công vụ tấn công tàu Việt Nam.

   Buổi họp báo có sự tham gia của đại diện của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Tập đoàn dầu khí, Cảnh sát biển và Cục Kiểm ngư

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong những ngày qua Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển của Việt Nam, bất chấp quy định luật pháp quốc tế. Các tàu của Trung Quốc vẫn hung hăng ngang ngược tấn công, đâm va và dùng súng phun nước cường độ mạnh, khống chế tấn công đánh đập ngư dân.

Trung Quốc liên tục đưa ra luận điệu sai trái vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam về những căng thẳng hiện nay trên thực địa. Trong khi đó, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia khẳng định Việt Nam trước sau như một kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Về tình hình trên thực địa, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, cho biết trong những ngày qua phía Trung Quốc  duy trì khoảng 100 tàu trong đó có 6 tàu chiến, và các máy bay quân sự để thực thi cái gọi là bảo vệ giàn khoan Hải Dương – 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Đại diện cảnh sát biển Việt Nam một lần nữa khẳng định sự hiện diện của các tàu chiến và máy bay quân sự gần giàn khoan 981. Ông cho biết các phóng viên trong nước và quốc tế, cũng như lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã ghi lại được số hiệu, số liệu tàu và máy bay. Ông Thu cũng bác bỏ vu cáo của Trung Quốc cho rằng phía Việt Nam dùng người nhái và vật cản để tấn công tàu Trung Quốc.

Về phần mình, ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm Ngư cũng đã lên tiếng bác bỏ thông tin của Trung Quốc cho rằng tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm hôm 26/5 là “do tự lật sau nhiều lần đâm húc tàu Trung Quốc và phía Trung Quốc đã cố vào cứu mà không được”. Ông Lê khẳng định các tàu của Trung Quốc thậm chí còn có hành động ngăn cản không cho tàu Việt Nam vào cứu hộ 10 ngư dân bị rơi xuống nước.

Phần hỏi đáp:

Báo Asahi của Nhật Bản: Những ngày qua, Trung Quốc đưa ra bằng chứng hình ảnh, clip cho thấy tàu Việt Nam chủ động đâm va tàu Trung Quốc, bản thân ông xem hình ảnh đó chưa? Bình luận của ông? Có hay không việc Việt Nam cử lực lượng đặc công người nhái đến giàn khoan, bố trí vật thể trôi nổi cản trở tàu Trung Quốc?

Ông Ngô Ngọc Thu: Tôi có được thông báo về nội dung họp báo đó. Phía Trung Quốc đã đưa ra một số liệu, đó là tàu thực thi pháp luật Việt Nam tiến hành đâm tàu của Trung Quốc 1.547 lần. Tôi xin khẳng định thông tin đó là hoàn toàn sai sự thật.

Thực tế trên khu vực giàn khoan 981 chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va, sử dụng các vòi phun nước cũng như trang thiết bị chế áp tàu thực thi pháp luật Việt Nam, không có chuyện tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc. Hình ảnh Trung Quốc như mô tả là tàu Trung Quốc bị tàu Việt Nam đâm hỏng mũi, điều này là không đúng sự thật bởi chỉ có thể sử dụng mũi tàu này đâm vào mạn tàu kia, không thể sử dụng mạn tàu Việt Nam đâm vào mũi tàu Trung Quốc.

Trung Quốc nói Việt Nam sử dụng người nhái, vật nổi gây ảnh hưởng hoạt động tàu Trung Quốc cũng là một thông tin hoàn toàn sai trái. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không hề sử dụng người nhái trên hiện trường khu vực giàn khoan Hải Dương – 981.

Về một số vật trôi nổi và lưới mà phía Trung Quốc vớt được đưa về chụp ảnh làm bằng chứng, thực tế là khi bị tàu Trung Quốc đâm, áp đảo nên ngư dân Việt Nam phải bỏ lưới chạy, tránh để bị tàu Trung Quốc phun nước uy hiếp. Trung Quốc vớt lưới của ngư dân Việt Nam và vu cáo rằng Việt Nam thả lưới ngăn cản tàu của họ. Vật trôi nổi là các thùng nhớt, thùng sơn, dụng cụ huấn luyện bị vòi rồng Trung Quốc phun vào văng xuống nước. Hơn nữa, Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam làm hư hỏng trang thiết bị, vỡ tàu gỗ của ngư dân Việt Nam, Trung Quốc vớt và nói là bằng chứng. Đó là sai sự thực.

  Đông đảo các phóng viên trong và ngoài nước tham gia buổi họp báo

Tiền phong: Trong thời gian gần đây, Trung Quốc cho rằng: Việt Nam nói Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa là sai? Đại diện Ủy ban biên giới quốc gia bình luận về quan điểm này thế nào?

Ông Trần Duy Hải: Trước hết tôi xin khẳng định đây là những phát biển xuyên tạc và bóp méo sự thật. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, Pháp đã bàn giao quản lý quần đảo cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực thi quản lý và đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc đã lợi dụng chiến tranh, tấn công lên lực lượng Việt Nam Cộng hòa đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa. Đấy là sự thực lịch sử. Ngay trên mạng Trung Quốc cũng đưa nhiều hình ảnh Trung Quốc tấn công lực lượng Việt Nam Cộng hòa. Việc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa sẽ không thể tạo ra chủ quyền cho Trung Quốc theo luật pháp quốc tế.

Báo Người Lao Động: Trước những bằng chứng của Việt Nam đưa ra để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, bằng chứng đó có thể giúp cho Việt Nam trong các vụ đòi chủ quyền với Trung Quốc không?

Ông Trần Duy Hải: Các văn bản pháp lý của nhà nước phong kiến Việt Nam hiện còn lưu giữ như các châu bản khẳng định việc quản lý, khai thác Hoàng Sa. Đây là các văn bản chính thức của nhà nước nên có giá trị pháp lý. Theo luật thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia khi muốn xác lập chủ quyền của mình với một vùng lãnh thổ phải thông qua các hành vi thực thi chủ quyền dưới danh nghĩa nhà nước. Việc khai phá Hoàng Sa, quần đảo Hoàng Sa được thực hiện bằng nhà nước và bởi nhà nước nên hoàn toàn đúng theo luật thụ đắc lãnh thổ. Tất cả các văn bản đó có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa.

VnExpress: Trước thông tin của Trung Quốc đưa ra thời gian qua cho rằng nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam tham gia ngăn cản giàn khoan, ngăn cản các tàu của Trung Quốc. Xin Cục Kiểm ngư đưa ra bình luận về thông tin này?

Ông Hà Lê: Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Chính vì vậy, việc ngư dân Việt Nam khai thác ở Hoàng Sa là việc bình thường phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế. Việc Trung Quốc nói như vậy là vu cáo. Tàu Trung Quốc phần lớn là các tàu công suất lớn, trang bị tối tân còn tàu cá Việt Nam là tàu gỗ, khai thác thủy sản hợp pháp bình thường trên biển. Việc Trung Quốc vu cáo tàu cá ngư dân Việt Nam ngăn cản tàu Trung Quốc là vô lý và không có căn cứ. Tôi xin khẳng định lại rằng, tàu cá Việt Nam chưa bao giờ có hành động ngăn cản, quấy rối tàu Trung Quốc mặc dù các tàu Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam.

VOV: Ngày 13/6 vừa qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo đá mà Việt Nam đã chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa. Đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về điều này?

Ông Trần Duy Hải: Các bạn đã thấy rõ đề nghị của Trung Quốc rất vô lý, chúng tôi bác bỏ đề nghị phi lí đó của Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền với Trường Sa và trên thực tế Việt Nam đã quản lý, tiến hành khai thác hòa bình liên tục trên quần đảo Trường Sa. Chính Trung Quốc là bên đã dùng vũ lực để xâm chiếm một số bãi trên quần quần đảo Trường Sa và do vậy chính Trung Quốc mới phải rút khỏi các bãi họ đã chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 của Việt Nam.

VOV: Thời gian gần đây 1 số nhà ngoại giao khu vực đề xuất rằng ASEAN cần có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Việt Nam có mong đợi gì hoặc có hành động gì để yêu cầu, đề nghị ASEAN có tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông?

Ông Trần Duy Hải: Chúng tôi nhiều lần khẳng định Việt Nam có đủ chứng cứ pháp lý lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa nên mọi hoạt động của Trung Quốc không được sự đồng ý của Việt Nam là bất hợp pháp. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nói chung trong việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông kể cả trong việc yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động phá vỡ nguyên trạng cũng như tạo ra sự căng thẳng ở Biển Đông.

  Phóng viên VOV đặt câu hỏi cho ông Trần Duy Hải

Hãng tin AP: Cho tới nay các đối tác nước ngoài hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam có bày tỏ lo ngại gì trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan hay không? Phản ứng của Việt Nam về vấn đề trên như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Ngay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành gặp gỡ, làm việc với tất cả các đối tác đang hợp tác khai thác dầu khí trong vùng biển Hoàng Sa. Tại các buổi làm việc này, chúng tôi nhận được những tín hiệu rất tốt khi tất cả các bên đều thông báo rằng: họ chia sẻ và ủng hộ lập trường, cũng như tuyên bố của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam. Họ khẳng định, hoạt động của Tập đoàn dầu khí và của bản thân họ là hoàn toàn hợp tác. Vì vậy, họ cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã ký kết trước đó. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch để cùng với các công ty dầu khí nước ngoài triển khai hoạt động khai thác dầu khí sao cho có hiệu quả nhất.

AP: Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì dự kiến đến Việt Nam tuần này dự cuộc họp Uỷ ban liên chính phủ Việt Nam – Trung Quốc. Chủ đề cuộc họp có đề cập vấn đề Biển Đông? Việt Nam có hy vọng cuộc họp làm giảm căng thẳng ở Biển Đông hay không?

Ông Lê Hải Bình: Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam. Đây là cuộc gặp của hai chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc. Trong các chủ đề sẽ được thảo luận, tôi tin rằng vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ được bàn đến.

Như chúng tôi nhiều lần khẳng định, từ trước đến nay cũng như tại họp báo này, Việt Nam luôn hết sức kiên trì trao đổi, tìm mọi kênh thông tin trao đổi đối thoại với Trung Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Vì vậy, cuộc gặp giữa hai chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc lần này chắc chắn là một kênh, một sự kiện hai bên có thể thảo luận để tìm giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.

Báo Lao động: Trung Quốc nói Pháp từng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa. Quan điểm Việt Nam như thế nào?

Ông Trần Duy Hải: Trước hết xin khẳng định ý kiến của Trung Quốc hoàn toàn bịa đặt bởi sau khi Pháp vào miền Nam, Pháp thay chính quyền miền Nam thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Việc quản lý hành chính với Hoàng Sa của Pháp ở mức độ rất cao, Pháp có cơ quan hành chính ở Hoàng Sa và cấp giấy chứng sinh cho ngư dân Việt Nam sinh ra ở Hoàng Sa. Pháp rất nhiều lần phản đối hành động xâm phạm của Trung Quốc với Hoàng Sa, thậm chí Pháp đã đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề ra giải quyết trước cơ quan tài phán quốc tế nhưng Trung Quốc đã từ chối. Vào ngày 18/2/1937, Pháp gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Hoa Dân quốc tại Pháp, trong công hàm này Pháp yêu cầu Trung Quốc giải quyết hòa bình hữu nghị các bất đồng. Nếu Trung Quốc không đồng ý giải quyết bất đồng thông qua thương lượng, thì Pháp buộc phải đề nghị giải quyết vấn đề này bằng trọng tài. Như vậy, không có chuyện Pháp thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc mà trái lại Pháp luôn luôn phản đối hành động, âm mưu của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa.

Vietnamnet: Trung Quốc đã  và đang xây nhiều công trình quanh khu vực Trường Sa của Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, thời gian qua, tại khu vực quần đảo Trường Sa, phía Trung Quốc đã tiến hành một số hoạt động mở rộng, xây dựng công trình trái phép xung quanh khu vực bãi đá Gạc Ma, cũng như một số điểm đảo khác ở khu vực Trường Sa vốn đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ tháng 3/1988.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xây dựng mở rộng trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như các hành động đơn phương khác làm thay đổi hiện trạng của khu vực quần đảo Trường Sa cũng như khu vực khác trên Biển Đông, rút ngay các tàu, thiết bị của Trung Quốc khỏi khu vực này, không để tái diễn hành động tương tự trong tương lai vì nó đe dọa hòa bình, ổn định khu vực cũng như tại Biển Đông./.

Nguyễn Hùng – Trần Cường, Ngọc Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *