(kontumtv.vn) -Ý kiến đại biểu cho rằng, cần phải trừng trị thích đáng những kẻ chủ mưu đã dụ dỗ, lôi kéo người dân vào đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 30/10 về vụ việc 39 người tử vong trong container ở Anh, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, đây là sự cảnh báo rất lớn đối với những người có ý định đi xuất khẩu lao động mà không theo con đường ngạch, mà thực chất đây là đường dây buôn người với quy mô rất lớn, hoạt động rất mạnh mẽ ở các quốc gia không chỉ ở Việt Nam.

trung tri thich dang ke chu muu loi keo nguoi xuat khau lao dong chui hinh 1
Đại biểu Lê Thanh Vân – đoàn Cà Mau.

Từ thực trạng này cho thấy, việc quản lý nhân khẩu còn lỏng lẻo, việc giải quyết công ăn việc làm, mức thu nhập chưa thỏa đáng, sự chênh lệch giàu nghèo còn lớn khiến nhiều người tìm kiếm “chân trời mới” với hy vọng thay đổi cuộc đời. Hơn nữa, nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng đồng bào khó khăn không được thông tin đầy đủ, họ không biết được những nguy hiểm, hậu quả vi phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam nên vẫn dấn thân vào.

Theo đại biểu, trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền cơ sở, cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương vào cuộc chưa kịp thời để phát hiện ra các đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia vào đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.

“Quan trọng nhất là thông tin tác động đến nhận nhận thức của người dân còn thiếu nên họ không nhìn thấy được những nguy cơ nguy hiểm có thể đối mặt như ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, thiệt hại về tài sản. Đây là đường dây thanh toán theo tiến độ hoàn thành hợp đồng, tức là đi đến đâu, hoàn thành đến đâu thì nó sẽ thanh toán, có đầu mối ở Việt Nam thu để chi trả cho đầu mối ở nước ngoài” – ông Lê Thanh Vân nói và nhấn mạnh những người lao động không đi theo đường chính ngạch có cuộc sống rất khắc nghiệt, bị đối xử tàn bạo ở xứ người.

Để ngăn chặn tình trạng đưa người ra nước ngoài trái phép, theo đại biểu đoàn Cà Mau, giải pháp căn bản nhất là phải tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, nhất là ở vùng quê khó khăn. Các tổ chức chính trị xã hội cần tích cực tuyên truyền, giải thích và cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động biết để họ nhận thức môi trường lao động và con đường đi như vậy là quá nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới sinh mạng mà còn gây thiệt hại đến kinh tế gia đình và hình ảnh của đất nước.

“Ở đây còn có trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện của các đường dây buôn người xuyên quốc gia và phải trừng trị thích đáng những kẻ chủ mưu đã dụ dỗ, lôi kéo người dân vào đường dây” – ông Lê Thanh Vân cho biết.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để hợp lý hóa giấy tờ, thậm chí giả mạo hộ chiếu của một số đối tượng, doanh nghiệp đã từng xảy ra. Trong đó có nhiều đối tượng lợi dụng doanh nghiệp để lừa đảo người dân nhằm chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa người dân ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.

Chính phủ, Quốc hội đã đưa ra nhiều cảnh báo và cũng như yêu cầu các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm việc quản lý hoạt động xuất nhập cảnh nhưng các đối tượng vẫn tìm cách để phạm pháp. Những năm gần đây, rất nhiều trường hợp người dân ra nước ngoài làm việc theo con đường bất hợp pháp mất tiền oan, thậm chí bị đánh đập, mất mạng…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực thi pháp luật đã rất trách nhiệm, nhưng một số nơi còn buông lỏng quán lý, vô tình tiếp tay, tạo điều kiện cho những cá nhân có cơ hội phạm pháp. Để hạn chế tình trạng trên, đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý để người dân được xuất cảnh lao động theo con đường chính thống, an toàn./.

Kim Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *