(kontumtv.vn) – Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, những năm qua, UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai nhiều giải pháp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, xã đã trồng hơn 50 ha cà phê, hơn 55 ha cao su, 550 ha bời lời, 11 ha cây ăn quả… Qua đó, đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người trên địa xã lên gần 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 54%. Xã đã hoàn thành được 10/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ông Hoàng Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan nói: “Đến thời điểm này thì các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn cơ bản đạt được theo nghị quyết đề ra. Trong đó, về kinh tế thì tập trung vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay trên địa bàn định hướng phát triển về một số cây trồng có giá trị về lâu dài như cây cà phê, bà con mạnh dạn đi vào sản xuất với quy mô rộng; duy trì được các diện tích lúa nước để đảm bảo theo kế hoạch hàng năm đề ra và nâng cao về năng suất”.

Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng

Với những giải pháp cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế huyện Tu Mơ Rông tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên so với trước; thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 8%/năm. Diện tích các loại cây trồng chủ lực đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, đến nay, toàn huyện có hơn 4.780 ha bời lời, gần 1.600 ha cà phê và gần 48 ha hồng đẳng sâm, hơn 6 ha cây đương quy, hơn 17 ha sâm Ngọc Linh do nhân dân trồng. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Cho đến thời điểm hiện nay, các mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ giai đoạn 2015 – 2020 thì UBND huyện triển khai cơ bản hoàn thành. Về cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng 14,95%; về tỷ trọng cơ cấu ngành thì giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng về công nghiệp xây dựng, cũng như dịch vụ thương mại; về xây dựng nông thôn mới thì cho đến năm 2020 có 2 xã đạt 14 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 9 đến 11 tiêu chí”.

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng kinh tế của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất còn hạn chế. Công tác xây dựng nông thôn mới kết quả chưa đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Ông Vương Văn Mười nói: “Về các chỉ tiêu thì trong đó các chỉ tiêu lớn nhất là về Chương trình Xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 – 2020 có 1 xã Đăk Rơ Ông sẽ về đích nông thôn mới. Tuy nhiên cho đến năm 2020 mới đạt 14 tiêu chí, còn 5 tiêu chí chưa hoàn thành, thì đây là một tồn tại. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung đánh giá những tồn tại, những hạn chế, sau đó đưa vào kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025 để có những giải pháp cụ thể để các xã về đích nông thôn mới”.

Huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở các lĩnh vực, như trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh, phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015-2020; chỉ đạo UBND các xã tập trung rà soát các chỉ tiêu chưa đạt và đề ra giải pháp để phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *