(kontumtv.vn) – Tưới nước tiết kiệm là hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã được tỉnh Kon Tum định hướng và triển khai thực hiện đối với sản xuất cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng. Nhờ ứng dụng quy trình này, nhiều hộ nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng năng suất và góp phần bảo vệ môi trường.

Chỉ mới vận hành qua một mùa khô, thế nhưng hệ thống tưới nước nhỏ giọt đã giúp vườn cà phê của anh Hoàng Nguyên Chiến (thôn Plei Lay, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) cải thiện được nhiều. Lá cà phê dày và xanh mướt, bộ cành vững chãi, sức kháng bệnh của vườn cây gia tăng. Phấn khởi hơn,  mỗi lần tưới hoặc bón phân cho vườn cà phê, anh Hoàng Nguyên Chiến chỉ cần một vài thao tác như hòa phân, mở cầu dao máy bơm, mở van; phần còn lại hệ thống tự thực hiện. Niên vụ này, anh dự đoán sản lượng vườn cà phê sẽ tăng từ 15 % so với trước. Mô hình tưới nhỏ giọt cà phê của anh được đầu tư theo phương thức Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật và 30% vốn; 70% còn lại gia đình anh đối ứng bằng bằng kinh phí và công lao động. Anh Chiến chia sẻ: “Nếu không có sự giúp đỡ thì việc đầu tư khó khăn, vì vốn đầu tư tương đối lớn. Sau khi làm thì thấy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt chỗ vận hành, tiết kiệm nước, một lần tưới thì được nhiều, tưới cả 1 ha. Bước đầu thấy rất hiệu quả, đặc biệt là về dinh dưỡng cho cây cà phê”.

Mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê ở xã Ia Chim
Mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê ở xã Ia Chim

Giải pháp tưới nước tiết kiệm và tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel đã được nhiều tỉnh thành áp dụng thành công cho vườn cà phê. Theo các chuyên gia, nếu áp dụng phương áp tưới nhỏ giọt, có thể giúp tiết kiệm 30-40% lượng nước so với các phương pháp tưới truyền thống. Ngoài ra, nông dân còn tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón, giảm nhân công lao động và tăng được năng suất cà phê từ 15% – 20%. Đáng chú ý là công nghệ này phù hợp địa hình đồi dốc ở Tây nguyên, dễ lắp đặt và vận hành bảo dưỡng. Chi phí đầu tư trung bình khoảng 35 triệu đồng cho mỗi ha. Ông Tống Đình Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh tại Kon Tum cho biết: “Khi áp dụng hệ thống này chi phí nhân công giảm tối đa khoảng 90%. Chi phí phân bón giảm từ 25-30%. Những nhân công khác như đào lắp bồn, nhân công bỏ phân và nhân công phụ như tưới phân, tưới thuốc sẽ giảm rất là nhiều”.

Để giúp bà con nông dân tiếp cận với phương pháp tưới nước tiết kiệm, niên vụ cà phê 2018- 2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ 5 hộ nông dân trên địa bàn xã Ia Chim, thành phố Kon Tum xây dựng mô hình trình diễn. Qua đánh giá thực tế, 100% diện tích áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê đều đem lại lợi ích cao. Đến nay, đã có hơn 30 hộ nông dân xã Ia Chim tự đầu tư mô hình tưới nước nhỏ giọt cho vườn cà phê của mình. Ông Lê Thế Trình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Chim nói: “Sau khi triển khai chương trình tưới này thì nhất là những người trên địa bàn xã Ia Chim người ta thích lắm, gia đình nào cũng mong mình sẽ làm được hệ thống tưới như thế này, vì hiện nay công lao động người ta không chủ động được nữa, không có nguồn lao động để làm cả một diện tích lớn. Thứ hai là trong hệ thống này tiết kiệm được nguồn nước tưới”.

Hiệu quả bước đầu tư mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây cà phê tại xã Ia Chim là cơ sở để áp dụng cho vườn cà phê trong toàn tỉnh. Bà Võ Thị Tú, Phụ trách Phòng Kỹ thuật – Truyền thông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum nói: “Hệ thống tưới tiết kiệm, tưới tự động là một trong những chương trình ứng dụng công nghệ cao đang từng bước triển khai cho các hộ nông dân để nâng cao đời sống kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí công lao động, giảm lượng nước tưới, bảo vệ môi trường. Khi được bà con chấp nhận chúng tôi từng bước sẽ nhân ra những vùng khác để bà con tham quan, học hỏi, khi kinh tế phát triển thì công lao động cũng giảm rất nhiều”.

Lâu nay bà con nông dân thường áp dụng quy trình tưới gốc hay còn gọi là tưới dí. Tưới theo phương pháp này vừa hao nước, vừa tốn nhiều công lao động  và hiệu quả sử dụng phân bón thấp, chi phí cao, gây lãng phí. Đầu tư mô hình tưới nước nhỏ giọt là hướng đi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp nói chung và đối với cây cà phê nói riêng.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *