(kontumtv.vn) –  Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc đọc sách theo phương thức truyền thống tuy có phần bị giảm so với trước. Tuy nhiên, văn hóa đọc không bị mai một mà chuyển sang nhiều hình thức đọc khác nhau. Mỗi hình thức có một đặc trưng, ưu điểm riêng, trong đó hình ảnh con người cầm quyển sách đọc vẫn luôn được giới trẻ yêu thích.

Trong cuộc sống, học tập hàng ngày, tuy được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, kiến thức khác nhau, nhưng em Võ Ngọc Bích Vân (Trường THPT Phan Bội Châu, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) vẫn thích thú với việc đọc sách, vì theo em, sách mang lại nhiều cảm xúc và lắng đọng hơn khi đọc. Bích Vân chia sẻ:“Em cũng thường xuyên đọc sách. Loại sách em thích nhất là sách lịch sử Việt Nam,  mang lại cho em những kiến thức về các cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc Việt Nam ta. Nó giúp ích cho em trong môn học lịch sử”.

Đọc sách vẫn luôn được giới trẻ yêu thích
Đọc sách vẫn luôn được giới trẻ yêu thích

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các phương tiện nghe nhìn hiện đại và tiện lợi, mọi người dễ dàng cập nhật các kiến thức thông qua điện thoại, internet, máy tính bảng một cách dễ dàng, nhanh chóng. Vì thế mà việc đến thư viện, hiệu sách tìm đọc những cuốn sách ngày một ít đi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà việc đọc sách bị lãng quên, mai một. Vì những con chữ trên điện thoại, máy tính bảng, internet khi được tiếp nhận chỉ dừng lại ở mức độ hình ảnh, nhanh chóng trôi đi và rất nhiều thông tin không chính thống, còn những trang sách thì từ, ngữ là cảm xúc, giúp mỗi người thẩm thấu, tiếp thu, đúc kết nguồn tri thức lâu dài. Chính vì thế mà trong những năm qua, những buổi giới thiệu sách, ngày hội đọc sách tại các địa phương, các trường học, thư viện để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam vẫn luôn thu hút rất đông các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia. Em Phạm Thị Hồng Hạnh (Trường THPT Trần Quốc Tuấn) nói: “Em cảm thấy rất vui,  háo hức  được đến đây tham gia Ngày hội giới thiệu sách. Ở đây có rất nhiều sách giúp ích cho chúng em trong học tập cũng như trong kỹ năng sống. Em muốn có thật nhiều buổi giới thiệu sách như thế này để các em được tham gia”.

Đặc biệt từ khi có Quyết định 284 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm, nhiều hoạt động quảng bá, tuyên truyền, cổ vũ phong trào đọc sách đã được tổ chức. Thông qua đó, phong trào đọc sách dần được nâng lên. Bà Nguyễn Thị Thơ, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum cho biết: “Phong trào đọc sách hiện nay đã dần lấy lại và sôi nổi hơn, học sinh, sinh viên cũng đã quan tâm đến việc đọc sách. Họ thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách để nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tầm hồn và nhân cách, cho nên phong trào đọc sách trong học sinh, sinh viên đã tăng và sôi nổi hơn cách đây 3 năm về trước”.

Trong thời gian gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, nhiều tủ sách pháp luật, tủ sách điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách đồn biên phòng, cùng với hàng nghìn thư viện, tủ sách lớn nhỏ ở các cơ sở xã, phường, trường học… đã được hình thành và đang từng bước phát huy tác dụng.  Nhà thơ Tạ Văn Sỹ, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum nói: “Nhà trường, đặc biệt là các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp có thể sáng tạo ra những cách để cho học sinh đọc sách. Tôi thấy ví dụ như lập 1 tủ sách riêng của lớp, phát ra cho các em trong lớp mỗi người một cuốn. Rồi chúng ta quy định có thể là một tuần thì các em phải đọc hết cuốn sách đó, tuần sau chuyển qua cho bạn khác, rồi cứ thế ta luân chuyển trong lớp. Sau một niên học, mấy chục tuần thì mỗi học sinh cũng đọc được mấy chục cuốn sách”.

Trong thời buổi khoa học công nghệ ngày một phát triển, các phương tiện thông tin ngày một nhiều, khái niệm về sách không còn giới hạn dưới dạng ấn phẩm in nữa, mà thêm vào đó là sách điện tử- E-book chứa đựng trong đĩa CD-ROM hoặc được chuyển tải trên mạng internet. Vì vậy đặc trưng của văn hóa đọc cũng có những thay đổi. Vấn đề quan trọng là đọc cái gì và làm thế nào để tiếp cận với tri thức một cách có hiệu quả nhất.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *