(kontumtv.vn) – Thông tư 04 của Bộ thông tin và Truyền thông về cấm bán sim đã kích hoạt đã được ban hành hơn 4 năm, thế nhưng tại Kon Tum, loại sim này (thường gọi là sim rác) vẫn được bán công khai và tràn lan. Đặc biệt, thời gian qua, sim rác không chỉ được bán tại các cửa hàng mà còn được bán phổ biến thông qua mạng lưới cộng tác viên có mặt ở mọi nơi công cộng.

Không cần khai báo thông tin cá nhân, khách hàng vẫn có thể mua sim. Chỉ cần có nhu cầu, số lượng sim bao nhiêu cũng có, mức giá dao động chỉ từ 30.000đ đến 100.000đ/ sim và kèm theo vô vàn những ưu đãi hấp dẫn như tặng tài khoản, tặng lưu lượng 3G, tặng mũ bảo hiểm, áo mưa… Bất chấp việc các nhà mạng cam kết với Bộ thông tin và Truyền thông là từ ngày 01/11/2016 sẽ xóa sổ sim rác, thực trạng đã diễn ra từ rất lâu này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Sim rác được bán tràn lan ở Kon Tum
Sim rác được bán tràn lan ở Kon Tum

Với hàng loạt chiến lược thúc đẩy tăng doanh số của các nhà mạng, những chiếc sim vô danh với giá vài ba chục ngàn đã được bán tràn lan ở bất kì đâu như quán cà phê, quán nhậu… thậm chí là ngã tư, khu vực họp chợ hay các điểm giao dịch, trung tâm hành chính nếu là xã. Không phải trình giấy tờ tùy thân, không cần cất công đến các đại lí vẫn có thể có sim dùng, lại có lợi về mặt kinh tế. Thế nhưng, dùng sim kích hoạt sẵn có thực sự vô hại? Anh Nguyễn Hoàng Huy (54 A Dừa, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum nói: “Hiện tại tôiđang dùng sim Mobifone, mua với giá 40.000đ, tài khoản thì trên 300.000đ. Hầu như 1 ngày nhận được 5 tin nhắn, bên nông tin xanh gì đó, quảng cáo giá cà phê, thấy phiền lắm nhiều lúc đi làm cứ thấy tưởng có ai nhắn tin cho mình, mở ra thấy nông tin xanh không à. Mình cũng ít nhắn tin, gọi không à, nên thấy phiền”.

“Trong vấn đề điện thoại, nhiều lúc cảm thấy rất phiền, những cái tin không đáng để cho mình lưu ý, tin mình không xài tới, nhưng người ta vẫn cứ nhắn tin, thậm chí có những người gọi tới rồi này kia nữa, coi như là phá giấc ngủ, trò chuyện làm phiền hà cho người dùng”. Ông Tô Hữu Tuấn (36B, Trần Bình Trọng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum than phiền.

Việc dễ dàng mua, bán, sử dụng sim rác là nguyên nhân chính của tình trạng tràn lan tin nhắn rác, quảng cáo rác và tin độc hại, khiến cho hàng triệu người sử dụng điện thoại di động đang bị phiền nhiễu mỗi ngày. Ước tính có đến 90% người dùng điện thoại di động thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, trong đó trên 40% là nạn nhân của tin rác hàng ngày. Không chỉ dừng lại ở quảng cáo, rao vặt, sim rác còn là phương tiện thực hiện hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật như lăng mạ, đe dọa, lừa đảo…Ông Trần Văn Thu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum nói: “Có nhiều đối tượng đã lợi dụng sim rác để gửi tin nhắn rác, nặc danh, lừa đảo gây mất trật tự trị an. Ngoài việc gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội, tin nhắn rắc cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh thông tin vì thường xuyên gắn liền với mã độc, thu thập thông tin cá nhân”.

Trước vấn nạn sim rác và tin nhắn rác tràn lan như hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông và 5 nhà mạng lớn là Mobifone, Viettel, Vinafone, Vietnamobile và Gtel đã tiến hành kí kết và triển khai thu hồi sim rác từ ngày 1/11. Vậy tại Kon Tum, doanh nghiêp đã bắt đầu triển khai các biện pháp thu hồi sim đã kích hoạt sẵn trên thị trường như thế nào? Cơ quan chức năng đã thể hiện vai trò và trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra và giám sát ra sao?

Hà My – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *