(kontumtv.vn) – Làng kháng chiến Xốp Dùi, xã Xốp (Đăk Glei, Kon Tum) là một mô hình làng kháng chiến được hình thành sớm nhất ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng. Nhân dân nơi đây suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã một lòng một dạ trung kiên theo Đảng, theo Bác Hồ và địa danh Xốp Dùi đã đi vào lịch sử Kon Tum nói riêng, đất nước nói chung.

Cùng với các làng trong tỉnh nổi dậy chống thực dân Pháp, trong đó tiêu biểu cho xã Xốp có làng Xốp Dùi. Phong trào đánh Pháp tự phát, phát triển mạnh mẽ cho đến ngày có cán bộ Việt Minh lên xây dựng cơ sở và làng Xốp Dùi sau này đã trở thành làng kháng chiến vững mạnh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Làng kháng chiến Xốp Dùi ngày ấy có 80 bếp với 200 nhân khẩu, là đồng bào dân tộc Xê Đăng sinh sống. Được sự chỉ đạo của huyện và sự giúp đỡ của bộ đội địa phương, ông A Mét cùng một số người ra vận động nhân dân rào làng bố phòng, đường ra vào bố trí công phu, bí mật, khi có báo động tất cả nam nữ đều đánh giặc. Cựu chiến binh A Miếc (làng Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei) kể: “Pháp nó xuống bắt con heo, cướp gạo, cướp nhà, đốt nhà, bắp nè, đủ thứ hết. Đó cho nên họ tức lắm mới đánh liền, bắn cái nỏ có thuốc độc”.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân làng Xốp Dùi đã một lòng một dạ theo Đảng, quyết tâm đánh giặc đến cùng. Là những người con của quê hương Tây Nguyên hùng vĩ, họ đã biết lợi dụng địa bàn hiểm trở để sáng tạo ra những cách đánh mưu lược, tài tình trong chiến tranh du kích khiến quân địch vô cùng khiếp sợ khi nghĩ đến những hầm chông, mang cung, những cánh thò, bẫy đá, chông bay, chông sập đặc biệt là tên tẩm độc của du kích xã Xốp. Cựu chiến binh A Viên (làng Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei) cho biết: “Trong làng ông già hồi xưa đánh Pháp thì không có cái gì, chỉ làm cái chông, chông dài có, chông ngắn có, nó nhổ cái này thì Pháp vẫn dính cái chông ở dưới. Thứ hai là chông hầm, làm hầm, làm bí mật, nó cắm cái chông dày, nó phóng từ rừng sang là bí mật như thế, tự nghiên cứu, tự làm, tự giữ làng xóm, tự bảo vệ quê hương của mình, không chịu làm nô lệ”.

Gặp các cựu chiến binh làng Xốp Dùi
Gặp các cựu chiến binh làng Xốp Dùi

Thế hệ những cha ông tham gia đánh giặc giữ làng Xốp Dùi năm xưa nay không còn. Để truyền thống lịch sử hào hùng của làng kháng chiến Xốp Dùi không bị mai một, những người già trong làng đã và đang giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Em A Đơn, học sinh lớp 9A, Trường THCS xã Xốp, huyện Đăk Glei cho biết: “Các ông đã hy sinh, cống hiến thân mình cho đất nước này và giữ cho làng được như hôm nay. Em sẽ cố gắng học để xây dựng quê hương mình đẹp hơn”.

 “Thế hệ trẻ của thôn Xốp Dùi rất vinh dự và tự hào về truyền thống đánh giặc của cha ông ta trong thời kỳ kháng chiến. Bản thân sẽ cố gắng học tập, lao động, phát triển kinh tế, đồng thời tuyên truyền cho các bạn đoàn viên thanh niên giữ gìn bản sắc dân tộc, cũng như truyền thống đánh giặc của ông cha ta để lại”. Anh A Lý (làng Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei) chia sẻ.

Phát huy truyền thống cách mạng, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhân dân làng Xốp Dùi đã đoàn kết một lòng xây dựng quê hương. Thôn hiện có hơn 200 hộ, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân đã biết trồng cây cà phê, bời lời, dược liệu và lúa nước. Nhờ đó, cuộc sống của bà con Xốp Dùi đã có sự đổi thay đáng kể. Ông A Đối, Phó Chủ tịch UBND xã Xốp, huyện Đăk Glei nói: Nhân dân làng Xốp Dùi đã một lòng đoàn kết, phát huy truyền thống. Đến nay làng phát triển cây cà phê, bời lời, từng bước được xóa đói, giảm nghèo. Đảng, Nhà nước cũng quan tâm về hỗ trợ cây giống, điện, đường, trường, trạm, nói chung là cơ sở hạ tầng từng bước được đi lên, đời sống nhân dân được phát triển”.

Làng kháng chiến Xốp Dùi là niềm tự hào của người dân Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Những bài học về tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn kết, lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân làng Xốp Dùi mãi sáng ngời và là niềm tự hào để thế hệ hôm nay tiếp bước xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Ngọc Chí – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *